Sunday, December 3, 2006

Con sói đơn độc của Hà Nội

Manuel Carcassonne
Le FIGARO - 16 février 2006

Bị khai trừ khỏi Đảng Cộng Sản năm 1990 vì tội vô kỷ luât, bị quản chế, nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng thế giới, Dương Thu Hương, xuất bản Chốn Vắng « Terre des oublis », một tuyệt tác của bà.

"Quý vị ngây thơ!” Dương Thu Hương nhấn mạnh từng chữ như để cho mọi người hiểu. Câu hỏi của chúng tôi, về phúc lợi của nền kinh tế thị trường tại một nơi chủ nghĩa độc tài Cộng Sản ngự trị, khiến bà cho rằng chúng tôi chẳng có đủ tư cách để hiểu thế nào là một chế độ bách hại, làm thịt người. Bà, một người đã từng ở tù vì nó. Bà nói đúng. Chúng tôi là những đứa con cưng của một nền dân chủ bạc nhược, trong khi ở nơi bà, cái nghị lực để nhấn mạnh một câu nói như thế đó, là của một nữ chiến sĩ, là để sống còn trong một môi trường thù nghịch. Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng được hồi kết cục của những tự do của chúng ta? Làm sao bà vượt qua được hai người đàn ông canh chừng và áp dẫn bà đến tận phi cơ? Làm sao sống lại tuổi thanh xuân đã bị đánh mất, đã bị phong thánh bằng tử đạo, đạo Cộng Sản?

Nữ tiểu thuyết gia tuổi sáu mươi, điệu đàng lịch sự - bà sinh năm 1947 ở Thái Bình - không thích nhập nhằng, ít nhất là trong việc công kích chế độ, giữa cái khiêu khích khiến bị đòn nhừ tử và cuộc chiến đấu chân chính. Thế hệ của bà kết hôn với những lý tưởng sáng suốt bất thần của những cựu bạn đường của Đảng Cộng Sản. Cộng Sản mà như thế này, như hiện nay, là tha hóa, là phản bội lý tưởng. Tuổi trẻ của bà với những khẩu hiệu không tưởng, mặc đồ trận, chạy tránh bom ở vĩ tuyến 17, vùng lửa đạn, vùng bị bom Mỹ dội nhiều nhất ở miền Bắc trong chiến tranh Việt Nam.

Vỡ mộng

Vào năm 20 tuổi, bà chiến đấu trong lữ đoàn tình nguyện của chiến dịch “Tiếng hát át tiếng bom”, chỉ nội cái tên đủ nói lên tham vọng của lữ đoàn. Bà ở trong quân đội đến năm 1975, phung phí sức lực cho một cuộc chiến bất chính, giết người, và cái học, ở bên ngoài những bức tường, của một nữ tiểu thuyết gia, là về miền điên rồ: những người đàn ông lang thang trong chiến hào, hóa rồ hoá dại, cụt tay què cẳng. bị nướng bằng bom lửa, những người đàn bà vượt cạn một mình, cũng trên mảnh đất điên rồ đó. Ý thức hệ, lý tưởng làm nên chuyện tầy trời, thép đã tôi là như thế: thứ xi măng nắng mưa, thời gian không sao soi mòn, không sao thẩm thấu. Ôi chao, cả một niềm tin “đường ra trận mùa này đẹp lắm” cuối cùng chỉ là phí phạm, vứt đi, bà buồn rầu nói. Đến một ngày, người nữ binh đoàn hiểu, thì ra người ta làm thịt cả những người Việt ở Miền Nam, những đồng bào của bà, mà bà thấy chẳng có lý do nào để làm thịt họ. Vỡ mộng, bà làm việc để nuôi gia đình với chức vụ “biên tập viên biên chế cho các phim trường sản xuất phim giả tưởng ở Hà Nội,” 600 nhân viên biên chế, biên tập những kịch bản chẳng bao giờ quay thành phim, kiểm duyệt dễ dàng chóng vánh, chẳng có gì nguy hiểm ở trong đó.

Tháng Tư năm 1990, trong một buổi họp của hiệp hội các nhà trí thức ở Sàigòn, có một người, hẳn nhiên có ý xấu, đã hỏi bà: “Tổng thống mới của Tiệp là một nhà văn, bà sẽ là một Vaclav Havel của Việt Nam?” Câu trả lời chỉ làm đám cầm quyền điên tiết. Chẳng phải chờ lâu, chỉ một thời gian ngắn sau đó, bà được họ ban cho bẩy tháng sáu ngày tù giam, trong một xà-lim, được khai trừ ra khỏi Đảng Cộng Sản. Bây giờ, bà bị quản chế, bị theo dõi, bị giam hãm trong sự cô đơn, lâu lâu cũng có những cuộc du lịch bất thường, gặp gỡ người nước ngoài, Pháp hay Mỹ. Nhưng, gì thì gì, người nữ cựu đảng viên, nhà nữ ly khai, chống đối, nhà nữ quyền đã từng được Jacques Toubon vinh danh vào năm 1995, nhà nữ tiểu thuyết gia giầu sáng tạo này không rời Việt Nam. “Tôi chọn ở lại Việt Nam để chơi một cuộc chơi mà tôi bằng lòng với nó. Tôi là người chống cự, cưỡng lại, từ vùng ven. Một kẻ đứng bên lề được sự hỗ trợ bởi cuộc chiến đấu của những Phật tử, những tín đồ Ky tô, những người theo đạo Tín Lành. Họ bảo vệ những người bị bắt giữ, những tù nhân chính trị. Người ta sỉ nhục tôi, vu khống tôi, bỏ tù tôi, nhưng tôi vẫn tiếp tục viết, tiếp tục nói, tôi nhìn thấy điều tôi muốn. Chúng tôi phải nắm số phận mình, dù đau đớn cỡ nào, ở trong tay. Tôi là con sói đơn độc.”

Một bức tranh ấn tượng


Rạch ròi từng chữ, lông mày nhíu lại, mỉm cười tùy lúc, Dương Thu Hương đúng là bức tranh một đảng viên ly khai ở Paris. Linh hoạt cắt cái rụp. Phản ứng nhanh như cắt. May còn có quyển sách: 800 trang, một bức tranh giầu ấn tượng, vừa riêng tư vừa lịch sử, vừa của riêng vừa của nhiều người, của cả một thời đại. Nhưng nhất là, đọc hấp dẫn, đọc thích thú, cứ như thể từ hồi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường đến bây giờ mới lại có được.

Nữ tiểu thuyết gia viết dài, rộng, và, rộng luợng, viết từng chuỗi chuyện thú vị, cảm giác sáng chói, từng trang sách giống như là một nơi chốn để tái nhập thân, cho một thứ côn trùng, loài phù du sống hết đời mình trong một đêm để kịp chết vào lúc hừng đông, thứ trái cây ngọt lịm, người đàn bà quỳ gối trong mảnh ruộng, người lính tàn lụi đi vì những vết cháy bỏng của cuộc chiến giữa đất nước Lào và vùng núi xanh, những con ma của quá khứ và những ảo tưởng của hiện tại.

Không thiếu những chi tiết hấp dẫn, gợi cảm lúc mơn trớn lúc quất mạnh: “Da của nó lấp lánh dưới ánh nến, trắng như mỡ lá đông lạnh hay vỏ trứng. Nó có làn da của Miên. Cũng có thể là làn da của cha nó, người đàn ông ở với Miên từ bảy năm nay.”
[Đây là dịch từ bản tiếng Pháp, của người điểm sách. Chưa tìm được nguyên tác tiếng Việt. CTND]

Câu chuyện đơn giản. Bản làng miền núi, ruộng lúa, nhà sàn, hàng hiên ngó vô rừng, và một cuộc trở về lạ lùng: bộ đội Bôn, đã báo tử, đã liệt sĩ, đột ngột trở về đoàn tụ với người vợ chính thức, có hôn thú, là Miên. Gầy trơ xương. hôi như cú, không một xu, hết xí oách, anh bộ đội, cái chết hiện về chưng hửng khi biết Miên, hoàn toàn ngây thơ, hoàn toàn vô tội, đã tái giá với Hoan, một thương gia thành thị, giầu có, và hấp dẫn hơn anh. Ai có lý? Ai điều động, ra lệnh? Danh dự hay tình yêu, tổ quốc hay tình cảm? Trung thành với ai để hy sinh chính cả mình?

Nhà nữ tiểu thuyết gia giơ cây viết thần ra hiệu, và thế là tuồng ảo hóa bèn bầy ra đấy: những mặt nạ sặc sỡ của một xứ sở Việt Nam xa xưa, niềm vui, nỗi đau, danh dự bị nhạo báng, tình mẫu tử thắng thế, những tên ma mãnh của thành phố hay những nạn nhân nhỏ thó của Lịch Sử. Như nữ kịch tác gia, bà tưới lên xen hài bằng nước mắt của một bi kịch bình dân, bà cho nhà quê đụng độ thành phố, kẻ ăn hối hộ đối mặt người hối lộ. Đang từ hoàn cảnh này độc giả bắt liền qua một hoàn cảnh khác.

Chốn Vắng, Terre des oublis, là quyển tiểu thuyết thứ sáu, bản tiếng Pháp, được xuất bản. Cuốn truyện chúi mãi xuống, tới tận miền sâu thẳm đã bị tổn thương, của những kiếp người. Người ta tin rằng, tác giả của nó, Dương Thu Hương, thụ giáo từ một ngôi trường của những lưỡi lê và những khẩu hiệu, của nhà tù và của sự thiếu thốn do bị chiếm đoạt, cho nên bà quá rành, và thừa bản lĩnh để làm bật ra cái bóng ma ghê rợn khủng khiếp đó. Bà còn cho độc giả, cả một phương thuốc dân gian, làm thế nào để trải qua đêm ái ân tới bờ tới bến mà không bị quất sụm: Chỉ cần một ly cà phê đen và vài hột muối. Ngay cả một chuyện như thế, độc giả vẫn sẵn sàng bỏ qua.

Nguồn: http://www.tanvien.net/dich/louve.html
Bản tiếng Pháp: La louve solitaire de Hanoï

---------------------------------------------------------

Thiên đường đã mất và tìm lại được
Daniel Rondeau – L’Express 15-02-2006

Trọng tâm bộ ba của Chốn Vắng, một thế giới của sức thổi, với tầm mức vũ trụ, Việt Nam.

Nữ tiểu thuyết gia Dương Thu Hương đã chọn một người đàn bà, Miên, hai người đàn ông làm nhân vật cho tiểu thuyết Chốn Vắng của bà. Hai người đàn ông là chồng của Miên. Một bị cho là chết trong chiến tranh. Một buổi sáng đẹp trời tháng sáu, vị cựu chiến binh này trở về. Khát sống, ông nhanh chóng hiện nguyên hình: bất hạnh và bất lực. Người đàn ông kia là người Miên yêu và lấy sau hai năm ở góa. Ông xây nhà có sân thượng và hai người có với nhau một đứa con trai.

Miên biết nàng sẽ mất cái hạnh phúc mà nàng vừa khó nhọc xây dựng. Dưới áp lực âm thầm của chính quyền và làng xóm, nàng sửa soạn chuyến lưu đày để gặp lại bóng ma mà nàng đã quên, từ rừng về. Ba cuộc đời bị số phận trói chặt, bị sét đánh ngay nơi gặp nhau mà hoàn cảnh mới của mỗi người gần như không có lối thoát. Ba cuộc đời bất hạnh được mô tả một cách tuyệt đẹp và đậm màu sắc.

Phải nói ngay tiểu thuyết Chốn Vắng thuộc thể loại tiểu thuyết mà từng trang toát ra sức sáng tạo, mức kịch liệt, tiết tấu và hình thức của nó. Trọng tâm bộ ba của Chốn Vắng, một thế giới của sức thổi, với tầm mức vũ trụ, Việt Nam. Xứ sở này là nhân vật thứ tư của quyển truyện được tác giả kể với một giọng văn trôi chảy, gợi hình và nên thơ. Các kỷ niệm, các hy vọng, các bối cảnh, những đêm trăng, các thung lũng hoa phù dung, các đồn điền, các núi đồi, các hươu nai và cả những con người bị cháy phỏng vì bom và chất độc da cam, các xác chết bị chim ăn thịt, các linh hồn chết hiện diện rất nhiều trong tác phẩm, các chòi tranh, các biệt thự sang trọng, các ghen tương và cả huynh đệ tương tàn, các quả tạ của tin đồn.

Tiểu thuyết này cũng là tiểu thuyết của tình yêu, của những đam mê tròng tréo, của những ẩn dụ và những vết sẹo, của cái mong manh những thiên đàng đã mất và được tìm thấy lại. Đọc giả gặp ở đây những con người khát khao cái tuyệt đối, những tâm hồn tinh khiết bị sẩy chân, những ý chí bị buông bỏ, những anh hùng thất thế, những đầu óc bị giằng co; dù vậy cũng có nét dịu dàng của cuộc sống: mùi trà gừng trà hoa lài, bánh mật ngọt, những ngày đi săn, tiếng kêu inh ỏi từ bụi rậm, mùi thịt nướng thơm lừng hành tỏi. Ngẫm nghĩ về sức mạnh của cuộc sống, tuyệt tác này của Dương Thu Hương vừa làm cho chúng ta thân thiết với xứ sở này mà cũng cũng đưa chúng ta vào các ngóc ngách xa lạ, nơi con người không ngừng tự vấn về những gì đích thật trong lòng mình để có thể đến gần được, không phải là không sợ, với các bí ẩn của hành trình lang thang của mình.

Terre des oublis
Duong Thu Huong
Nhà xuất bản Sabine Wespieser
Phan Huy Đường dịch - 794 trang

Nguồn: http://www.tanvien.net/dich/chon_vang.html
Bản tiếng Pháp: Royaumes perdus et retrouvés

No comments: