Dương Cự
Tôi được may mắn có mặt trong buổi nói chuyện của bà Dương Thu Hương tại New York ngày 30 tháng Tư vừa qua. Tôi lại cũng lên talawas đọc bài viết của Trịnh Lữ Dương Thu Hương trong “Xác tín và Lẽ phải” và tôi có vài ý khác biệt với ông Trịnh Lữ.
Độc giả có thể đọc những bài tường trình một cách chính xác hơn về buổi nói chuyện của bà Dương Thu Hương ở New York tại những nơi sau đây:
Đài RFA: Cuộc trò chuyện với nhà văn Dương Thu Hương tại thư viện New York
talawas: Dương Thu Hương - Người đàn bà Việt răng đen mắt toét đốt đuốc làm giặc
Đài VOA: Nhà văn Dương Thu Hương vẫn giữ vững lập trường tranh đấu cho dân chủ
Trước hết tôi đồng ý là người dịch đã không dịch đúng 100%, nhưng đó là vấn đề của ban tổ chức, chứ không phải của bà Dương Thu Hương hay của hai ông Robert Stone và Antoine Audouard. Nếu muốn than phiền thì gửi thư cho Hội Văn bút Hoa Kỳ, chứ viết lên talawas thì không biết ông Trịnh Lữ có ý riêng gì?
Để độc giả hiểu rõ vấn đề mà tôi muốn bàn, tôi xin lưu ý là buổi đó được gọi là một cuộc nói chuyện và chủ đề là các thực trạng của chiến tranh, kiểm duyệt và vai trò của nhà văn trong xã hội của bà. (Nguyên văn tiếng Anh trích từ PEN American Center: Conversations in the Library: Duong Thu Huong & Robert Stone - The first-ever U. S. appearance by Vietnam’s foremost writer, who has been jailed and banned at home; Duong will be joined by distinguished novelist Robert Stone to discuss the realities of war, censorship, and the writer’s role in her society.)
Độc giả thấy rõ là nhân vật chính trong cuộc nói chuyện này là bà Dương Thu Hương chứ không phải ông Robert Stone hay người điều hành chương trình, ông Antoine Audouard, và đây là một cuộc nói chuyện chứ không phải là một cuộc phỏng vấn. Trong một cuộc nói chuyện thì câu chuyện đưa đẩy tùy theo nhân vật chính trong buổi đó. Người điều hành chương trình có nhiệm vụ kéo nhân vật chính về lại chủ đề nếu nhân vật chính đi ra ngoài chủ đề.
Theo những bài tường trình nêu trên và ngay cả bài của ông Trịnh Lữ thì bà Dương Thu Hương hoàn toàn nói trong chủ đề đã nêu ở trên. Ông Trịnh Lữ viết: “Hương đanh thép tuyên bố rằng: ‘Thời đó chúng tôi sống như súc vật!… Chúng tôi không có cả bát ăn cơm, phải dùng gáo dừa làm bát, phải ăn ngô của lợn, ăn ruột đu đủ. Miền Bắc nhập khẩu loại sữa dùng để nuôi gia súc và cũng chỉ cán bộ cao cấp mới được phân phối loại sữa ấy’.” Đó là thực trạng chiến tranh và không hề ra ngoài chủ đề của cuộc nói chuyện. Tôi không hiểu vì lý do gì mà ông Trịnh Lữ lại xấu hổ?
Ông Trịnh Lữ còn viết: “Trong suốt 45 phút tiếp theo đó, cái ý tưởng ‘tôi làm giặc’ của Hương mạnh đến nỗi cả Stone và anh nhà văn Pháp đều không sao lái câu chuyện về chủ đề dự tính của nó được.” Bà Dương Thu Hương nói “tôi làm giặc” là nói về vai trò của bà trong xã hội của bà, tức là nước Việt Nam. Như vậy là hoàn toàn trong chủ đề của cuộc nói chuyện. Có gì sai trái đâu?
Trong cuộc nói chuyện bà Dương Thu Hương đã tuyên bố rõ rệt là bà không phải là nhà văn chuyên nghiệp như ông Robert Stone. Sau đây là trích đoạn nghe từ bài của RFA đã nêu trên: “Tôi không phải những nhà văn mà có khuynh hướng làm nhà văn chuyên nghiệp như là ông Robert Stone và có thể nghề viết văn là một… (nghe không rõ) nhưng mà đối với tôi thì nó ở rất là xa cho nên tôi chẳng có quan tâm”. Như vậy là bà Dương Thu Hương rõ ràng không muốn nói đến những vấn đề chuyên về việc viết văn. Khi đó hai ông Robert Stone và Antoine Audouard đáng lẽ phải có nhiệm vụ đi theo dòng suy nghĩ và câu chuyện mà bà Dương Thu Hương đang nói tới. Hai ông Robert Stone và Antoine Audouard đã không làm tròn nhiệm vụ của mình vì đã khư khư đi theo những câu hỏi của mình như trong một cuôc phỏng vấn. Tôi cũng xin nhắc lại đây không phải là một cuộc phỏng vấn mà là một cuộc nói chuyện.
Ông Trịnh Lữ đã không hiểu được như thế mà còn có mặc cảm nhược tiểu, luôn luôn phải nhìn vào các “ngài” da trắng để xem có được chấp nhận hay không. Trong buổi nói chuyện ông Trịnh Lữ luôn luôn nhìn hai ông Robert Stone và Antoine Audouard. Trong bài ông Trịnh Lữ nhắc đi nhắc lại những cử chỉ của hai ông ấy: “… Stone và anh nhà văn Pháp nhìn nhau. Stone hơi nhún vai… Stone nhìn nhà văn Pháp… Nhà văn Pháp nhìn sang Stone. Ông này cựa quậy một tí… Stone liếc nhìn đồng hồ đeo tay của mình, rồi quay sang hỏi Hương… Và Stone lập tức phản ứng một cách khá gay gắt…”. Chuyện này làm tôi nghĩ tới hình ảnh một anh da vàng mũi tẹt khi được các ngài da trắng mũi lõ xoa đầu khen tốt thì sung sướng còn khi các ngài da trắng nhăn mặt, lắc đầu thì sợ hãi, lo âu không biết mình làm gì phật ý các ngài, không cần biết mình đúng hay sai.
Ông Trịnh Lữ còn viết: “Chắc hẳn mọi người đến dự buổi hội thoại này cũng đều muốn biết về cái quá trình mà nhà văn Dương Thu Hương đã trải qua để từ một nữ thanh niên xung phong trở thành một người ‘làm giặc’ trong văn chương với nghĩa phản lại tất cả những xác tín thời trẻ tuổi của mình.” Vấn đề này đã được nhà văn Dương Thu Hương trả lời rõ rệt và đầy đủ. Bà nói: “Đến năm 69 khi tôi gặp những toán tù binh đầu tiên hoàn toàn là những người Việt Nam thì tôi hiểu là tôi bị lừa”. Ở một đoạn khác bà nói: “Cái sự quay lưng trở lại để tìm sự thật là bắt đầu từ năm 69 khi tôi gặp những người tù binh Việt Nam, nhưng mà tất nhiên vào lúc ấy tôi chưa thể quyết định được ngay vì lúc đó tôi còn rất trẻ và tôi bị cuốn vào guồng máy của chiến tranh”. Bà còn nói: “Vì tôi cảm thấy cuộc chiến tranh này là một trò đùa rất là ngu xuẩn của lịch sử”. Như vậy mọi người (chắc chỉ trừ ông Trịnh Lữ) trong buổi nói chuyện đều thấy rõ ràng lý do đã khiến bà Dương Thu Hương thay đổi lập trường.
Trên đây là mấy điểm chính mà tôi muốn nói lên cùng độc giả của talawas để quí vị suy nghĩ khi đọc bài của ông Trịnh Lữ để khỏi bị lừa như bà Dương Thu Hương đã nói. Sau đây là một vài điểm phụ tôi muốn nêu lên về bài của ông Trịnh Lữ.
Ông Trịnh Lữ đã coi thường độc giả khi ông viết một bài cho mọi người đọc mà chỉ dựa vào những ghi chép tại chỗ và không có máy ghi âm như ông đã thú nhận trong bài. Muốn viết một bài cho nghiêm chỉnh thì phải thu âm và khi về nhà phải nghe đi nghe lại nhiều lần để viết cho chính xác. Quả thật ông đã thiếu sót. Thí dụ ông tường trình một câu hỏi của một thính giả: “Rồi một ông trung niên trên hàng ghế đầu nói nhóm của ông đã bay từ Cali sang chỉ cốt được gặp mặt văn sĩ, mà ‘trời ơi gặp được chị còn khó hơn cả gặp tổng thống Bush nữa nè...’. Đến đó thì người chủ trì cuộc gặp cương quyết cắt ngang.” Tường trình như vậy là sai vì câu này không phải là câu hỏi chót và bà Dương Thu Hương đã trả lời là chuyến đi của bà hoàn toàn tùy thuộc hội văn bút bảo trợ bà.
Phần đầu của bài ông Trịnh Lữ viết: “Tôi có cảm giác mình đang vào thăm ai đó trong một nhà tù đặc biệt. Tôi bước vào phòng hội thoại với những cảm xúc không rõ rệt.” Phải chăng ông muốn gieo vào đầu người đọc một ấn tượng xấu ngay lúc khởi đầu? Tại sao ông có cảm xúc không rõ rệt? Riêng tôi và những người bạn thì rất hứng khởi khi đi nghe bà Dương Thu Hương nói chuyện.
Ông Trịnh Lữ đã dùng tên Hương một cách trống không. Ông khoe là có quen em bà Dương Thu Hương, như vậy ông phải gọi bà Dương Thu Hương là chị Hương chứ không gọi trống không một cách vô lễ như vậy. Chắc ông thấy “ngài” da trắng Antoine Audouard gọi bà Dương Thu Hương là Hương nên bắt chước. Ông Antoine Audouard xưng hô như thế khi nhìn vào bà Dương Thu Hương và nói như hai người bạn nói chuyện chứ không phải trong một bài viết.
Câu kết của ông Trịnh Lữ: “Chắc phải tin lời chị thôi: ‘Tôi chọn con đường làm giặc...’ Còn để làm gì thì đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi.” Chuyện này cũng dễ hiểu thôi. Bà Dương Thu Hương đã nói rất rõ ràng. Bà “làm giặc” là để nói lên cho thế hệ trẻ biết là bà và thế hệ của bà đã bị Đảng Cộng sản Việt Nam lừa bịp và cuộc chiến tranh là một cuộc chiến ngu xuẩn. Bà Dương Thu Hương sẽ còn tiếp tục làm giặc cho đến khi Đảng Cộng sản không còn tồn tại nữa và đất nước Việt Nam được tự do và dân chủ.
© 2006 talawas
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment