Sunday, December 3, 2006

Những phiên toà của Dương Thu Hương

Bài viết sau đây của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh ra đời đầu năm 1990, ở thời điểm mà đợt sóng Đổi mới trong văn học Việt Nam sau cao trào 1986-1989 dần lắng lại. Tháng 4.1991, nhà văn Dương Thu Hương bị bắt tù 6 tháng. Từ đó đến nay, tác phẩm của Dương Thu Hương cũng như dư luận của công chúng văn học và đánh giá của giới nghiên cứu phê bình về nhà văn này bị loại khỏi đời sống văn học Việt Nam. Hơn 15 năm nay, bài viết này cũng nằm trong ngăn kéo, bây giờ mới có dịp được công bố.
talawas

Ðọc Dương Thu Hương, tôi hình dung mỗi tác phẩm dù là truyện ngắn hay truyện dài đều như một phiên tòa chị lập nên để xét xử và trừng trị những nhân vật của mình. Mô hình chung của các phiên tòa ấy là như thế này:

Chánh án là tác giả, đích thân làm đủ mọi việc, từ buộc tội, luận tội, đến kết án, tuyên án, cả việc thi hành hình phạt nữa. Các nhân vật của truyện hầu như đều là tội phạm cả. Lối làm việc của tòa là phân loại can phạm theo tính chất và đặc điểm của tội trạng rồi lôi ra xử gọn hàng loạt một.

Gần đây người ta thấy những phiên tòa của Dương Thu Hương có sự chuyển hướng sang xét xử những vụ án chính trị, nhưng trước đó, suốt mấy năm trời, tòa án Dương Thu Hương hầu như chỉ tập trung xử những vụ án tình. Ở những phiên tòa này, Dương Thu Hương thường chia can phạm ra làm hai loại, xử làm hai đợt. Những phiên tòa như thế thường thiết lập ở Hà Nội, cũng có khi đưa về các tỉnh lẻ như Bắc Ninh, Bắc Giang chẳng hạn. Nhưng dù ở đâu, người đến xem cũng đông đúc và háo hức lắm. Người xem tranh luận sôi nổi. Lớp trẻ nói chung thì tán thưởng (nam giới thích hơn, nữ giới có hơi khó chịu một chút), lớp già không thích lắm, nhất là những trí thức văn nghệ sĩ thước loại đàn anh “đứng đắn”, “lịch sự”.

Tôi đã đến dự một số phiên tòa của Dương Thu Hương, đại khái nó diễn ra như thế này:

Nữ chánh án mặc thường phục đúng mốt thời đại. Chị cho dẫn ra trước tòa lớp can phạm thứ nhất. Loại này thường nữ ít, nam nhiều. Nữ thường lá cán bộ quản lý tuổi từ 40 đến 50: chẳng hạn một nữ hiệu trưởng một trường trung học nọ. Cửa hàng trưởng một cửa hàng mậu dịch kia hay một bà hội trưởng hội phụ nữ một huyện nào đó...

Trong số phạm nhân này kẻ có quyền chức hơn cả là một bà phó chánh án tòa án tỉnh. Những người đàn bà này thường nắm vững pháp luật ăn nói đanh thép, đáo để. Nhưng xem ra toàn một loại đạo đức giả thâm căn cố đế, bản chất ngu xuẩn và độc ác, nhưng hễ mở miệng là nói toàn nhân nghĩa công lý và nữ quyền.

Phần đông phạm nhân thuộc nam giới. Ðiều đáng chú ý là hầu hết đều có vẻ đứng đắn, đẹp trai, thậm chí hòa hoa phong nhã. Họ thường là trí thức có học được đào tạo ở nước ngoài, hoặc là những văn nghệ sĩ (không hiểu sao phần lớn là nhạc sĩ, nhạc công?). Những người này có một đặc điểm giống nhau đến kỳ lạ: đôi bàn tay rất đẹp, mềm mại, mịn màng. Trong khi chờ tòa làm việc, họ thường ngồi ngắm nhìn một cách say sưa đôi bàn tay của mình xem như những vật báu trời cho. Ôi, đôi bàn tay hứa hẹn nhiều với các cô gái nhẹ dạ những cái vuốt ve mơn trớn thật dễ chịu.

Những phạm nhân nam giới này dường như đều cố gò cho mình dáng điệu những người quân tử lúc sa cơ đành phải nhẫn nhục, nhưng dù thế vẫn không chịu che giấu hoàn toàn thái độ đầy khinh bạc đối với vị quan tòa mà họ cho là hết sức vô lý, nhố nhăng và thiếu văn hóa.

Này đây đoàn phạm nhân đã được dẫn vào ngồi chật một dãy ghế dài đối diện với chánh án. Họ có vẻ bực bội ra mặt. Những người đàn bà thì trao đổi với nhau một cách giận dữ. Những người đàn ông thì, như đã nói, phản ứng bằng thái độ im lặng đầy khinh bỉ, xứng đáng với tư cách những người trí trức.

Tòa bắt đầu làm việc. Chánh án đứng lên luận tội các bị can. Trừ mấy trường hợp phụ nữ đã nói ở trên còn tất cả đều phạm chung một tội tuy nặng nhẹ có khác nhau: lừa dối những cô gái trẻ lãng mạn bằng cách tự tạo cho mình một thứ hào quang giả, đồng thời vuốt ve phỉnh nịnh họ bằng những lời hoa mĩ, đường mật, bằng thứ âm nhạc tình tứ lẳng lơ và bằng đôi bàn tay vật chất mềm mại của mình. Chánh án kết luận với thái độ đầy phẫn nộ: đây là tội giả mạo tình yêu, giả mạo nghệ thuật, giả mạo văn hóa, trí thức một cách vừa nham hiểm vừa hèn hạ.

Lời buộc tội xem ra không thuyết phục được các bị can, trái lại càng kích thích thêm phản ứng của họ. Họ nhao nhao phản đối. Bà phó chánh án tỉnh đã giới thiệu trên kia đứng phắt dậy và đọc thuộc lòng một thôi một hồi hết chương này đến mục khác, trích trong những bộ luật đã ban hành có liên quan đến chuyện tình ái, hôn nhân của các công dân. Bà kết luận: những người bị bắt bớ đến đây không ai vi phạm vào một điều luật nào hết. Và bà lớn tiếng kêu gọi mọi người hãy cảnh giác vạch mặt nữ chánh án đích thực là một tên quan tòa giả mạo, luật pháp một chữ bẻ đôi không biết mà dám bắt giữ và đem ra xét xử toàn những công dân vào loại đứng đắn nhất, đáng kính trọng nhất của xã hội ta.

Phòng xử án lúc ấy thật là nhốn nháo. Phần đông người đến dự phiên tòa thấy hoang mang thật sự trước lý lẽ của bà phó chánh án. Một số cứ ngơ ngẩn không hiểu đây là chuyện thực hay là tiểu thuyết “hư cấu” ra vậy.

Nhưng vị nữ chánh án của chúng ta không hề nao núng. Chị đứng dậy, mặt đanh lại, mắt nẩy lửa. Chị lắc chuông cho mọi người giữ trật tự và dõng dạc giải thích: Hỡi các công dân lười suy nghĩ, các người chẳng hiểu gì cả. Ðây không phải tòa án xã hội mà là tòa án văn chương. Ðúng là đối với pháp luật xã hội, các can phạm này không khép được vào tội gì cả. Chẳng thế mà họ vẫn ung dung vênh váo, có người thậm chí còn được cất nhắc đề bạt lên cao hơn nữa. Nhưng luật pháp văn chương thì khác. Phải kết tội rất nặng. Ðây là luật nhân văn, nhân bản. Luật nằm ngay trong lương tâm mỗi người và được khắc trên những tấm bia vô hình nhưng rộng lớn của dư luận. Ðã phạm luật này thì đứng hòng trốn đâu cho thoát.

Không khí hội trường dịu hẳn lại. Phần đông công chúng gật gù tỏ ý tán thưởng. Các phạm nhận thì tím mặt lại. Nhưng kìa vị chánh án đã lại đứng dậy và mọi người hồi hộp lắng nghe các bản án được tuyên đọc và các hình phạt được quyết định cho từng tội nhân. Hình phạt hết sức đơn giản và nữ chánh án đích thân thi hành ngay tức khắc, Chị bước từ trên bục cao xuống đi thẳng đến chổ tội nhân, ra lệnh cho họ đứng dậy và lần lượt phân phát cho mỗi người một cái tát trái cực mạnh.

Tòa giải lao mấy phút rồi lại tiếp tục. Một loạt can phạm khác lại được dẫn ra theo lệnh của chánh án. Khác hẵn lần trước, lần này hầu hết bị can là nữ giới. Nam giới chỉ loáng thoáng vài ba người, trong đó có một anh mặc quân phục, đeo lon đại úy. Một người khác thì rõ ra là một trí thức, một học giả. Can phạm nữ nói chung đều rất trẻ và xinh đẹp, tuy đã qua thì con gái cả rồi. Trừ một người có vẻ chất phác quê mùa, còn đều là gái thành thị, y phục hiện đại và biết trang điểm. Nói chung họ thuộc tầng lớp xã hội khá giả và có văn hóa. Nếu để ý một chút sẽ thấy họ đều có vẻ mặt ngơ ngác buồn. Dường như họ sống với những ý nghĩ, những mơ tưởng nào đó ở đâu đâu chứ không phải với thực tại. Thiếu phụ đi vào sau cùng hình như mắc bệnh tâm thần thật sự. Cặp mắt cô khi thì u tối, đau đớn, khi lại vụt sáng long lanh, thậm chí như là nẩy lửa. Có lúc cô lại tỏ ra hốt hoảng một cách bất thường và cứ loay hoay sờ soạng tìm kiếm quanh mình như vừa đánh mất một cái gì quý giá lắm. Và cô khóc thút thít như trẻ nhỏ.

Khi các bị can đã ngồi cả xuống ghế và chánh án tuyên bố họ đều là những người có tội thì tất cả đều giật nẩy lên sửng sốt, họ nhìn nhau, mắt tròn xoe, tỏ ý không hiểu như thế nào là thế nào. Bởi vì họ đều là những nạn nhân bất hạnh, nạn nhân của chính những tội phạm mà tòa vừa kết án và trừng trị trước đây chỉ mấy phút. Tất cả những người đến dự tòa cũng đều lấy làm lạ. Họ ngơ ngác hỏi nhau. Nhiều người bực bội ra mặt. Một số mất bình tĩnh đã nhấp nhổm định đứng dậy để hỏi cho ra nhẽ.

Nhưng chánh án đã đứng dậy đề nghị giữ trật tự. Và chị bắt đầu luận tội. Lời nói của vị quan tòa vẫn rất đanh thép quyết liệt như bao giờ, nhưng người tinh ý sẽ cảm thấy trong giọng nói có một cái gì như là cố nén đi một mỗi xót xa. Không khí phòng xử án lắng dần lắng dần cho đến lúc hầu như tuyệt đối im lặng. Ðối với các bị cáo, mỗi lời buộc tội của vị chánh án dường như là một tia sáng nóng bỏng chiếu vào tâm hồn họ khiến họ vừa bừng tỉnh vừa cảm thấy đau đớn.

Lời buộc tội của chánh án có thể tóm tắt như thế này: Hỡi các bị cáo là những cô gái xinh đẹp và đầy ảo vọng kia! Ai đã hủy hoại tuổi xuân của các người? Ai đã làm cho cuộc đời đàn bà của các người bị lỡ dỡ? Ai đã xúc phạm tàn nhẫn tới lòng tự trọng của các người? Chính là bản thân các người chứ ai! Các người quen được gia đình nuông chiều, được xã hội phỉnh nịnh vì có chút nhan sắc và một ít trí tuệ. Các người sinh chủ quan, kiêu ngạo, thường tự huyễn hoặc bằng những ảo vọng vu vơ, những thần tượng giả dối. Thực ra không ai ngu dại hơn các người. Ðiều ngu dại nhất ở các người là ngu mà cứ tưởng mình thông minh, hời hợt mà cứ tưởng mình sâu sắc, để đến nỗi mắc vào cạm bẫy của những thằng Sở Khanh đóng vai trí thức, văn nghệ sĩ, lũ bịp bợm hèn hạ ấy tòa đã kết tội và trừng trị đích đáng. Nhưng xét kỹ ra chúng không phải là thủ phạm chính. Thủ phạm chính là bản thân các người đã coi rẻ tuổi xanh vàng ngọc của mình, đang tâm hủy hoại nó, nhiều khi chỉ “trong khoảng khắc của thời thiếu nữ”. Tội của các người vì thế mà rất lớn, gọi là trọng tội không oan ức gì. Tội nặng, tất nhiên hình phạt cũng phải nặng: nếu không phải xử tử ngay tức khắc thì cũng bị đầy vào cảnh cô đơn, bất hạnh cho đến cùng đời mãn kiếp.

Lời buộc tội vừa dứt, trên ghế phạm nhân nhiều người không nén nổi xúc động thái quá. Họ bắt đầu rên rĩ. Có người ngất xỉu đi, đầu tóc rũ rượi, Người thiếu phụ mắc bệnh tâm thần chúng tôi đã lưu ý trên kia bỗng đứng phắt dậy. Chị dang hai cánh tay và cứ thế đấm vào ngực thùm thụp.

Không khí phòng xử án lúc đó phải nói là hết sức căng thẳng, mọi người như bị hút cả về phía người phụ nữ điên dại tội nghiệp đang căm hờn bản thân mình kia. Họ không biết rằng, trên bục cao, vị nữ chánh án cũng gục xuống bàn nức nở.

Như trên đã nói, gần đây những phiên tòa của Dương Thu Hương bắt đầu chuyển sang xét xử những vụ án khác có ý nghĩa chính trị xã hội rộng lớn hơn. Chị tìm đến những tội phạm trên lĩnh vực công tác tư tưởng.

Ở đây, chị quyết lôi ra ánh sáng loại cán bộ giáo điều một cách ngu dốt và ngoan cố, cứ muốn nhồi nhét vào đầu óc thiên hạ ảo tưởng về những thiên đường giả dối, thực chất là “những thiên đường mù”. Những con người mà đạo đức giả đã trở thành lẽ sống ấy đang trượt dài trên đường thoái hóa đến mức vô liêm sỉ. Những con người như vậy, nực cười thay lại đóng vai dạy dỗ người khác về tư tưởng và đạo đức cách mạng.

Những phiên tòa này của Dương Thu Hương, tôi không có điều kiện tới dự. Nghe nói, đối với những tội phạm mới phát hiện này, chị có bổ sung thêm một hình phạt khác cũng hết sức Dương Thu Hương: không phải chỉ cho một cái tát trái mà còn bồi thêm một bãi nước bọt vào mặt.

Ðồng Xa, 28.02.1990

© 2005 talawas

No comments: