Sunday, December 3, 2006

Cuộc hội thoại với Dương Thu Hương

Mặc dù nhiều năm qua, nhà văn Dương Thu Hương liên tục chống đối chế độ và đất nước mình, nhưng với chính sách cởi mở, khoan dung, Chính phủ VN vẫn tạo điều kiện cho bà sang Pháp, Mỹ... theo các lời mời của một số tổ chức quốc tế.

Thời gian ở nước ngoài, bà Dương Thu Hương càng mê muội ngộ nhận bởi sứ mệnh "làm giặc" của mình cùng bao lời lẽ, tuyên ngôn lừa mỵ đầy ngông ngạo, rồ dại chống lại đất nước mình, dân tộc mình...

TrinhLu.jpg

Tác giả Trịnh Lữ

Để bạn đọc có thêm thông tin, xin trích đăng bài viết về cuộc đối thoại của bà Hương tại TP.New York ngày 30.4 vừa qua của tác giả Trịnh Lữ. Ông là dịch giả một số cuốn sách nổi tiếng gần đây như "Cuộc đời của Pi", "Utopia", "Con nhân mã trong vườn...", hiện là chuyên viên của LHQ.

Thấy có thông báo Dương Thu Hương và Robert Stone sẽ đối thoại với nhau về thực tế chiến tranh, tình trạng kiểm duyệt và vai trò của nhà văn trong xã hội Việt Nam tại thư viện công cộng thành phố New York vào giữa trưa chủ nhật 30/, tôi vội mua vé tham dự.

Đây là lần thứ hai chi hội PEN tại Hoa Kỳ (PEN American Center) tổ chức Liên hoan Văn học quốc tế có tên gọi World Voices (Tiếng nói của thế giới). PEN tổ chức nhân quyền và văn học đã hoạt động từ năm 1921 nhằm cổ xuý cho văn chương, bảo vệ tự do diễn ngôn và xây dựng một cộng đồng văn sĩ quốc tế trên cơ sở đồng đẳng và hữu ái.

Dương Thu Hương hội đủ điều kiện để trở thành khách mời của PEN từ Việt Nam. Và tôi thật sự muốn chứng kiến Dương Thu Hương sẽ góp lời mình như thế nào vào chủ đề Faith & Reason (Xác tín & lẽ phải) của Liên hoan Văn học quốc tế New York kỳ này.

Bà Dương Thu Hương sinh năm 1947 tại Bắc Ninh, hiện sống tại Hà Nội. Có tham gia TNXP thời chống Mỹ ở Quảng Bình, sau đó học Trường ĐH Văn hoá Hà Nội, từng công tác ở Xưởng phim truyện VN.

Là tác giả của một số tập tiểu thuyết, truyện ngắn như "Bên kia bờ ảo vọng", "Những thiên đường mù". Từ đầu thập kỷ 90 (thế kỷ XX), bà chỉ in sách ở nước ngoài như "Tiểu thuyết vô đề", "Chốn vắng"...

Dương Thu Hương được một số người nước ngoài tâng bốc là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng (!).

Chính bà Hương cũng từng ngụy tín rất kỳ lạ rằng mình "bị chính quyền Hà Nội coi là kẻ thù số 1" và ngạo mạn, tự tin quá lố khi khẳng định "tôi viết ra là để làm bài học cho hậu sinh".

Liệu bà có thể vì ai khi sống trong lòng đất nước mà cứ kiêu hãnh tuyên bố: "Tôi rất khép kín làm việc. Tôi chỉ làm việc với các nhà báo ngoại quốc...?".

Hoá ra Nguyễn Quý Đức làm phiên dịch cho Dương Thu Hương. (...) Cuộc hội thoại sẽ được dẫn dắt bởi một nhà văn người Pháp, tôi không nghe kịp tên, tiếng Anh giọng Pháp của anh nghe rất dễ chịu (1).

Đây là lần đầu tôi nhìn thấy người đã viết Thiên đường mù. Tôi mới đọc cuốn đó của chị thôi, cũng không có cảm nhận gì rõ rệt lắm. Cảm giác của tôi về văn sĩ này phần nhiều có từ những tin tức có phần đồn thổi về những gì chị đã làm bên ngoài văn chương.

Stone đã từng làm phóng viên chiến trường ở Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết Dog Soldiers của ông có những nhân vật cựu binh Mỹ tại Việt Nam và chuyện buôn lậu ma tuý ở Nam California. Cha đẻ của nhà văn Pháp dẫn chương trình đã từng đánh trận ở Đông Dương.

Anh mở đầu cuộc hội thoại bằng một đoạn tự giới thiệu hơi quá dài dòng về mối quan hệ của mình với Việt Nam, rồi nói rằng lần nào gặp Dương Thu Hương, anh cũng nghe Hương nói là "Hương sẵn sàng chết bất cứ lúc nào", rằng "ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng của Hương". Đến nỗi cứ nghĩ đến Hương là anh lại nhớ đến mấy câu nói ấy.

Không hiểu sao PEN lại chọn một người Pháp để điều khiển cuộc hội thoại về chủ đề chiến tranh, kiểm duyệt và vai trò của nhà văn giữa một người đàn ông Mỹ và một người đàn bà Việt, tôi đang bụng hỏi dạ thế thì nghe tiếng Hương cất lên - một giọng đàn bà rất khỏe và đanh qua hệ thống loa của phòng họp: "Vì tôi chọn con đường làm giặc, nên biết rằng mình có thể chết bất kỳ lúc nào".

Nguyễn Quý Đức, không hiểu vì lý do gì, lại dịch chữ "làm giặc" ấy của Hương là "troublemaker" thôi chứ không phải là "rebel"(2). Hay là anh cố tình làm dịu câu chuyện? Mà giọng anh nghe thật mềm mỏng, như mấy làn sóng vội lan ra sau khi hòn đá "làm giặc" của Hương vừa rơi xuống nước vậy.

Câu nói mở đầu ấy của Hương đã khiến tôi ngạc nhiên hết sức. Không phải chỉ là những chữ ấy, mà là cả cái giọng của Hương, thật đanh thép, như thể đang đứng ở pháp trường vậy, mà có vẻ chỉ là một pháp trường để quay phim.

Trong suốt 45 phút tiếp theo đó, cái ý tưởng "tôi làm giặc" của Hương mạnh đến nỗi cả Stone và anh nhà văn Pháp đều không sao lái câu chuyện về chủ đề dự tính của nó được.

Có lẽ phiên dịch là một vấn đề trong cuộc hội thoại này. Nguyễn Quý Đức chỉ dịch thầm vào tai Hương những câu hỏi được nêu ra, nên cử toạ hiểu tiếng Việt không biết liệu anh có chuyển tải đúng những câu hỏi ấy không. Nhiều câu trả lời của Hương chẳng liên quan gì đến câu hỏi của Stone hoặc anh người Pháp kia. Cô gái học báo chí ngồi cạnh có lần hỏi tôi: "Anh ấy dịch sai? Chị ấy không hiểu, hay là né tránh?".

Stone hỏi Hương về việc chị xung phong đi chiến trường, và muốn biết chị nghĩ gì về những thanh niên khác cùng lứa. Hương nói: "Hồi ấy chúng tôi tham gia chống Mỹ hầu như là nghe theo bản năng mà thôi, sau này chúng tôi mới thấy là mình bị lừa". Rồi sau khi nói phần lớn nhân loại là bị lừa, Hương đanh thép tuyên bố rằng: "Thời đó chúng tôi sống như súc vật!". Như thể đó là nguyên nhân đã khiến cho chị và thế hệ của chị đã tham gia chống Mỹ vậy.

DTHuong.jpg

Dương Thu Hương

Và để minh chứng cho cuộc sống súc vật ấy, Hương nói tiếp: "Tuyên truyền của miền Nam lúc bấy giờ là hoàn toàn đúng khi họ nói rằng ba thằng Việt cộng đánh đu một cọng đu đủ cũng không gãy. Chúng tôi không có cả bát ăn cơm, phải dùng gáo dừa làm bát, phải ăn ngô của lợn, ăn ruột đu đủ. Miền Bắc nhập khẩu loại sữa dùng để nuôi gia súc và cũng chỉ cán bộ cao cấp mới được phân phối loại sữa ấy".

"What"s the matter with this woman?"(3)- Tôi tự hỏi, và thấy xấu hổ vì câu hỏi ấy đã vang lên trong đầu mình bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt. Ngay cả bây giờ, khi đang viết những dòng này, tôi cũng vẫn còn thấy xấu hổ vô cùng, cho ai và vì cái gì thì tôi không muốn nghĩ đến.

Stone đã đọc sách của Hương và biết rằng chị có dạy hát cho đồng đội trong lúc ở chiến trường. Ông hỏi: "Chị có viết ra những bài hát ấy không?". Hương đáp: "May quá tôi không viết ra chúng, tôi chỉ dạy người khác hát chúng thôi. "Ô", Stone nói, mái tóc bạc của ông rung rung, "tôi cứ ngỡ rằng sự nghiệp văn chương của chị đã bắt đầu từ việc viết những ca khúc chiến tranh ấy". Trong giây phút im lặng tiếp theo, tôi cứ ngỡ mình đã nghe thấy Stone thì thầm: "Thật đáng tiếc". Vớ vẩn thật.

Nhưng Stone vẫn chưa nản, ông hỏi tiếp: "Cuộc đời chị đã đi theo hai hướng: Đầu tiên chị theo đuổi tham gia phục vụ sự nghiệp của dân tộc mình; sau này thì có vẻ như chị lại đi theo quan niệm về chân lý của riêng mình. Chị có thể nói về chuyện này được không?".

Câu hỏi hay quá, tôi thấy bồn chồn. Nguyễn Quý Đức thì thầm một lúc với Hương. Cử toạ im phăng phắc. Rồi tiếng Hương cất lên, sang sảng: "Tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp như ông Stone!".

Thế là thế nào? Hương định nói rằng những câu hỏi như vậy chỉ dành cho các nhà văn hay sao? Cả hội trường ồn ào lên một lúc. Chẳng biết mọi người nghĩ thế nào. Rồi Stone hỏi tiếp: "Tại sao chị lại từ chối danh hiệu nhà văn?".

Hương đáp: "Ông to lớn, còn tôi thì nhỏ bé. Từ nhỏ tôi chỉ mơ làm quán quân bóng bàn chứ chưa bao giờ quan tâm đến viết văn. Nhưng mà tôi bị lừa, và tôi muốn viết để người khác khỏi bị lừa như tôi".

Stone và anh nhà văn Pháp nhìn nhau. Stone hơi nhún vai, nhưng kịp thời ngăn mình không bộc lộ gì khác. Anh nhà văn Pháp chẳng biết dẫn dắt câu chuyện thế nào, cứ nhìn sang Stone, và ông lại lên tiếng, rất khó khăn, chậm chạp, như thể vừa nói vừa nghĩ xem mình đang nói gì.

Tôi hiểu rằng ông đã nói như sau: "Sự thật là cái đẹp. Nhà văn là người khiến cho sự thật hiển lộ và được nhận diện. Tôi nghĩ đó là vai trò và chức phận của nhà văn". Anh nhà văn Pháp nói: "Đó là một nhận định, không phải là một câu hỏi". Stone nhún vai. Anh nhà văn Pháp hỏi Hương: "Chị nghĩ gì về nhận định này?".

Nguyễn Quý Đức thì thầm. Rồi Hương nói rằng chị muốn trả lời bằng cách dẫn một đoạn thơ của Petofi (4). Đoạn thơ này tôi cũng đã thuộc từ hồi còn là học trò phổ thông, vì nó rất phổ biến trong đám mới lớn ở Hà Nội trong những năm 1960, nhưng bây giờ thì tôi không sao nhắc lại cho đúng được, ngay cả khi Hương đọc từng câu cho Nguyễn Quý Đức dịch. Đại khái đoạn thơ nói rằng cuộc đời thì như biển cả, còn tình yêu thì như ngọc châu hay ngọc trai gì đó, và để tìm được ngọc ấy thì mình có thể mất mạng chứ không dễ dàng gì. Có lẽ Hương muốn nói rằng chị sẵn sàng chết để làm cho sự thật được hiển lộ?

---------------

(1) Nhà văn Pháp này tên là Antoine Audouand. Sở dĩ ông được lựa chọn vì có người thân chết trong chiến tranh VN đồng thời là người rất quen thuộc bà Dương Thu Hương (tất cả chú thích của người biên tập).
(2) Troublemaker là kẻ gây rối, kẻ phá rối. Rebel có nghĩa là người nổi loạn, kẻ chống đối...
(3) "Cái bà này gặp chuyện gì vậy?".
(4) Sandór Petophi (1823-1849) nhà thơ và anh hùng dân tộc Hungary.

Theo laodong.gif

No comments: