Sau khi trả lời ông Đinh Ngọc Ninh bỗng nhiên tôI nhận được một loạt thư, hỏi
- Bà có phảI phật tử không? Chúng tôI thấy nhiều quan điểm trong bài viết của bà rất gần với lý thuyết đạo Phật.
- Nếu điều chúng tôi nghi ngờ là đúng, tại sao một người đấu tranh cho dân chủ lại có thể là phật tử?.....
Câu trả lời của tôi là: Tại sao không?
Đạo Phật không biên giới. Đó là một tôn giáo thẫm đẫm tính đạo đức và triết lý. Đạo Phật cũng như bất cứ tôn giáo nào khác đều tồn tại và phát triển thông qua hằng hà sa số các cá nhân. Bất cứ cá nhân nào cũng có một gốc rễ văn hóa, cũng mang một nhãn hiệu bản thể gọi là quốc tịch. Do đó khi trong một con người cùng tồn tại song song hai tình yêu lớn: tôn giáo và tổ quốc, người đó ắt phải tranh đấu cho hai kỳ vọng, hai niềm tin.
Vì thế, câu trả lời của tôi là: Tại sao không?
Tuy nhiên, tôi chỉ là phật tử theo cách của riêng tôi. Tôi không đi lễ chùa. Chẳng phải là cố tình tìm một cách tồn tại độc đáo nhưng vì tôi không có khả năng thỏa hiệp, cho dù đó là một sự thỏa hiệp dễ chịu nhất.
Cách đây chừng mười bảy mười tám năm một ngày xuân tôi đi viếng cảnh chùa. Ngôi chùa đó nằm gần phủ Tây Hồ. Trên đường tới phủ rẽ tay phải chừng non trăm mét là tới. Tôi không còn nhớ rõ tên chùa mặc dù đó là nơi trước khi xảy ra sự việc năm nào tôi cũng tới, khoảng một hai tháng một lần, siêng năng nhất là mùa xuân và mùa thu. Đó là ngôi chùa cổ còn may mắn sót lại sau những cơn đốt phá đình chùa đền miếu theo chủ trương "tiêu diệt tàn dư phong kiến" của chính quyền cộng sản. Không có gì đặc biệt ở ngôi chùa ấy, ngoài một mảnh vườn nhỏ vừa trồng đào vừa trông mai. Có lẽ cảnh tượng thân ái của những cây đào và cây mai chen vai, thích cánh cuốn hút tôi vào mùa xuân và khi mùa thu đến, đám cành trần trụi khẳng khiu vươn lên trong lặng lẽ cũng mang lại một vẻ đẹp u sầu và nghiêm cẩn, vẻ đep ta thường gặp ở mọi ngôi chùa cổ xứ Bắc.
Trưa hôm đó, tôi qua cổng chùa đi vào ngôi nhà ngang. Vừa đặt chân lên bậc tam cấp tôi chứng kiến một cảnh tượng không tương hợp chút nào với chốn từ bi: Trên tấm phản gỗ mốc, sư cụ bà ốm nằm còng queo, bát cháo ăn dở ở một góc phản khô đét lại. Nhà "sư nữ" ngoại tam tuần mắt long sòng sọc, tay nắm cổ người bệnh lắc, miệng rít lên:
- Mày chết đi, mày chết ngay đi cho người ta nhờ!....
Sư cụ đã quá yếu không động cựa nổi, cái đầu lắc lư ngật ngưỡng như quả bưởi trong tay người đàn bà trẻ hung hãn:
- Mày chết đi.....
Tôi định lui ra nhưng cô ta đã nhìn thấy tôi. Quá muộn cho cả đôi bên. Hẳn cô ta không ngờ có kẻ đột nhập vào "ngang hông" bởi thông thường khách thập phương phải qua sân đi vào chùa chính. Cô ta không biết rằng tôi quen mọi ngõ ngách và thường đi tắt qua nhà ngang vào chùa sau để hầu chuyện sư cụ. Không thể mở miệng "mô phật" như lần trước cô ta ném cho tôi một cái nhìn giận dữ và thách thức rồi ngoay ngoảy quay đi. Tôi ngồi xuống phản với sư cụ. Cụ không mở mắt nổi và giọng nói đã đứt quãng nhưng hoàn toàn minh mẫn. Đó là người đã xuống tóc từ thời chính quyền 1945 chưa thiết lập, đã duy trì và tu tạo ngôi chùa này qua mọi thăng trầm của thời gian. Nhưng cụ không có mảy may quyền hành để lưu giữ các chân tu ở lại, thay cụ chủ trì. "Nhân sự" do "bên trên" đưa xuống.
Vậy cái gì là "bên trên"?
Quyền lực nào áp chế những người tu hành và thả lũ lợn bẩn thỉu vào khắp chùa chiền xử sở? .... Chẳng có gì bí mật cả, "bên trên" là A 25 Cục bảo vệ văn hóa thuộc Tổng cục 1 Bộ Nội vụ. A 25 có nhiệm vụ đào tạo sư sãi để "yểm" Hội Phật giáo Việt Nam, để trấn giữ hệ thống chùa toàn quốc. Không ai quên rằng chính nhà nước cộng sản đã dấy lên cơn bão kinh hoàng nhằm tàn phá đình chùa, đền miếu thậm chí đào mồ hốt mả chúng sinh, tiêu diệt tất cả những gì mà họ cho là "tàn tích của chế độ phong kiến". Trong một thời gian dài, những người cộng sản muốn xóa sạch tất cả các tôn giáo, bắt chúng sinh thờ vị thần duy nhất mắt xanh mũi lõ tên là Karl Marx và đám tông đồ của ông ta. Nhưng để xóa đi một đức tin và thay thế vào một đức tin khác không dễ dàng như họ tưởng. Và không phải bất cứ lúc nào họng súng cũng đem lại những kết quả mong muốn. Thời gian không ủng hộ họ. Bức tường Berlin sụp đổ và Lénine vĩ đại của họ sụp đổ theo. Dân Nga xích cổ tượng ông ta kéo lê trên bùn. Đám tín đồ phương Đông đứng chơ vơ không biết từ nay "người cầm lái vĩ đại" của họ sẽ là ai? ... Trong lúc đó dân chúng ào ào dựng đình, cất chùa. Khắp nơi miếu mạo, đền chùa, lăng tẩm dựng lên theo trí nhớ. Chính quyền cộng sản có thể truy bức tàn sát chúng sinh, cướp bóc phá hủy tài sản của họ, nhưng trí nhớ và niềm tin là những thứ không thể bắn thủng bằng các loại đạn. Và như thế, giờ đây dân chúng đã xây lại tất cả những gì đã từng bị họ tàn phá, nếu không nói là còn nhiều hơn. Nhu cầu tâm linh hóa ra cũng là một nhu cầu sinh tử của kiếp người. Trước tình hình này A 25 trở nên quan trọng hơn trong vai trò "bảo vệ nền chuyên chính". Nhiệm vụ của họ là "khống chế hội phật giáo" biến chùa chiền toàn quốc thành hệ thống pháo đài của quyền lực, rình mò theo dõi tư tưởng dân chúng và ....điều này nữa, các tín đồ của Marx không quên: tận thu nguồn lợi béo bở từ đám chúng sinh "mê tín" kia. Vậy là đội quân "sư nhà nước" được hình thành. Nguồn đào tạo chính là C 500 (đại học ngành an ninh). Thêm nữa, sinh viên tuyển lựa từ các đại kọc khác như Tổng hợp, Sư phạm, Ngoại ngữ ... có thành phần cơ bản (lý lịch đáng tin cậy) được vũ trang bằng lý thuyết giai cấp của Marx-Lénine và một thứ chủ nghĩa duy vật hạ đẳng. Sau đó, lớp người này được "tráng men" bằng lý thuyết đạo Phật và trước hết các phương pháp niệm kinh, hành lễ để "vào nghề".
Như thế nhà nước cộng sản đã tạo nên một đội ngũ "tôi tớ trung thành" được quyền thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất và nhục thể dựa trên sự đầu cơ trục lợi "những khát vọng tâm linh" của dân chúng. Các ông sư bà sư áo quần phấp phới cưỡi xe vù vù đi "họp kín". Họp kín ở đây tức là họp "giao ban" ngành dọc A 25. Họ báo cáo rành mạch mọi thành tích. Riêng những cọc tiền thu được từ các hòm công đức là "không thể rành mạch" vì các sư còn phải mang về quê xây nhà tầng và lo cho các con học đại học trong nước và ngoài nước. Sư hành nghề ở Thái Nguyên, Hà Bắc thường có quê quán gia thất tại Thanh Hóa, Nam Định và ngược lại .... So với các nghề khác trong Bộ Nội vụ, "nghề làm sư" là béo bở, chỉ thua kém "Cục buôn lậu ma túy" thôi.
Cả một bộ máy lừa bịp vận hành nghiễm nhiên và ngang nhiên dưới ánh mặt trời, trước mắt dân chúng.
Dân chúng, tuy thường xuyên phải cúi mặt nhẫn nhục cam chịu, đôi khi cũng vùng lên tranh đấu, đòi đuổi sư nhà nước, giành chùa cho chân tu. Vụ biểu tình của các tín đồ chùa Láng Hà Nội cách đây ba năm là một ví dụ. Trong tối hôm đó, công an đã bắt giam trên một trăm tín đồ.
Vậy tôi xin trở lại lý do khiến tôi không đi lên chùa từ gần hai thập kỷ nay, sau kỷ niệm đau buồn với sư cụ tôi không còn muốn nhìn thấy một lần nữa bọn "thầy chùa đểu".
Nhưng chưa hết.
Tôi không đi lễ chùa cũng còn vì chùa chiền giờ đây đầy rẫy bọn "đao phủ" đi "đánh quả" thần, phật. Gọi là "đao phủ" vì chính lũ người đó trước đây đã ra lệnh phá đình chùa, đuổi sư sãi, vặt cổ vặt tay tượng phật làm củi.... giờ đây chúng lại xì xụp hương khói hơn tất thẩy mọi người.
Vì sao có sự đổi hướng quay chiều? ....
Tôi sẽ trả lời tường tận nhưng trước hết, để tránh rơi vào lối ám chỉ chung chung tôi xin nêu dẫn chứng:
Một là, những người dân Huế cỡ trung niên hẳn chưa quên câu ca này:
Bùi San cùng với Trần Hoàn
Hai thằng ngu ấy phá đàn Nam Giao
Búi San: bí thư tỉnh ủy. Trần Hoàn: trưởng ty văn hóa. Công trình chung của họ là hủy diệt một di tích lịch sử nơi xưa kia các vua Nguyễn tế Trời Đất và tiên vương. Sau này, ông Trần Hoàn ra làm bộ trưởng Bộ Văn hóa, vợ con ông ta xem bói từ Nam ra Bắc, khấn lễ mọi nơi, đặc biệt lễ hậu là Bia Bà để cầu cho ông được"vững vàng". Riêng tôi, tôi nhìn thấy ông nhiều lần cắp cặp đứng trước cổng nhà các vị "Bộ Chính trị". Quả là một cuộc hiệp đồng tác chiến; vợ con ông đi đút lót "thần, phật" còn ông đi hầu hạ các "thánh sống" để ông được duy trì thêm 4 năm trên ghế bộ trưởng vì ông đã già lại quá nhiều khiếu kiện, cấp trên của ông đã chấm ông "vào sổ hưu".
- Hai là, thời kỳ Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư Đảng, ngoài chiến dịch "Thanh Hóa hóa bộ máy cầm quyền" ông ta đã tranh thủ đào bới ngân khố quốc gia để xây dựng lại, mở mang hoành tráng đền thờ Lê Lai, tin tưởng đó là tổ tiên trực tiếp, là thần hộ mạng cho mình.
- Ba là, vài năm gần đây nhiều người họ Trần vênh vang tuyên bố rằng họ Trần sắp sửa bước vào thời kỳ "đại phát" vì Trần Đức Lương vừa cho xây khu mộ cổ họ Trần tại Thái Bình. Khu mộ này sẽ được xây theo thế "rồng phục" sao cho ít nhất, chín đời họ Trần sẽ liên tục "làm vua" ...v v.. và ...v v..
Theo logic, ngày nào chế độ độc tài này còn tồn tại thì tất thảy bọn cầm quyền họ Miêu họ Thử họ Ngưu họ Mã .... sẽ lần lượt vét ngân khố quốc gia để xây dựng mồ mả đền miếu cho riêng dòng tộc của chúng với một chủ đích hoặc ngụy trang hoặc lộ liễu: Duy trì quyền lực.
Quyền lợi, đó là căn nguyên sự quay chiều đổi hướng của kẻ cầm quyền. Marx và Lénine hết sài được thì quay sang �đầu tư, đánh quả� thần, phât. Hạng người ti tiện, lòng tham ngùn ngụt như vậy làm gì có "tâm hồn tôn giáo"?..., nhất là một tôn giáo có quá nhiều yêu cầu đạo đức, cấu trúc trên tinh thần khắc kỷ như đạo Phật? ... Không phải vô cớ mà so với đạo Hồi và Thiên Chúa giáo, đạo Phật có ít tín đồ hơn. Con đường dốc khó trèo.Con đường dốc ấy làm sao tương hợp được với bọn cởi áo đao phủ khoác áo cà sa điềm nhiên như diễn viên thay trang phục sân khấu, không một chút ngượng ngùng, không mảy may hối tâm, không một lần thành khẩn trước tha nhân? .,..
Lẽ ra, chính quyền Việt Nam phải xin lỗi dân chúng một cách công khai, một cách thanh thật, một cách nghiêm khắc vì tội ác phá đền chùa lăng miếu, đào bới san ủi mồ mả tiền nhân của chúng sinh. Nếu họ cải tâm họ đã phải làm điều đó trước khi đặt chân lên thềm những đền chùa mà dân chúng gom góp xây dựng lại.
Nhưng cái ngã mạn của kẻ cầm quyền khiến lương tâm họ mù tối. Họ không cần xin lỗi ai bởi vì họ tự nhận là "Đảng thần thánh và vĩ đại". Và vì "thần thánh và vĩ đại" họ đã thản nhiên làm cái việc mà cổ nhân từng cảnh báo:
"Thế gian có mặt mũi nào
Đã nhổ lại liếm làm sao cho đành"
Tôi chuyển sang mục thứ hai: Tôi là phật tử theo kiểu của riêng tôi.Không đi lễ chùa đã đành, tôi cũng không tin tuyệt đối vào lòng từ bi. Đối với tôi, lòng từ bi không thể độc hành. Lòng từ bi phải bước song song với một trí tuệ sáng suốt và khả năng chiến đấu chống lại điều ác.
Khi lòng từ bi không được rọi chiếu dưới ánh sáng trí tuệ, nó dễ dàng đưa ta đến tai họa. Chỉ cần nhớ lại tích "Đường Tam Tạng đi lấy kinh" là đủ. Đã bao nhiêu lần vị sư phụ này mắc lừa bọn yêu quái, niệm chú để xiết chặt vòng kim cô làm Tôn Ngộ Không đau đớn vật vã điên cuồng. Và cũng chớ nên quên rằng bao nhiêu lần ông ta mắc lừa, bấy nhiêu lần Tôn Hành Giả đi giải cứu.
Khi thiếu khả năng chiến đấu chống lại cái ác, lòng từ bi của chúng ta biến thành chất dầu nhờn, bôi trơn cỗ máy nghiền của loài ngạ quỷ và chính cỗ máy này sẽ nghiền nát chúng sinh. Một dân tộc hiền hòa như dân tộc Tây Tạng đã mất nước vì thiếu khả năng chiến đấu. Quân lính Trung Quốc không chỉ xâm chiếm, tàn phá đất nước Tây Tạng mà còn đổ than hồng vào đầu vào họng các nhà sư và tra tấn họ bằng tất cả những hình thức tra tấn thời Trung cổ.
Thêm một ví dụ nữa:
Ai cũng biết ở Khơ-me đạo Phật là quốc giáo. Vậy mà chính tại xứ sở này nạn diệt chủng đã xảy ra. Hơn hai triệu người bị giết dưới chính quyền Khơ-me đỏ. Thê thảm thay, rất nhiều cuộc tán sát man rợ lại xảy ra chính tại các chùa. Nơi thờ cúng linh thiêng biến thành địa ngục và giờ đây, thành một thứ bảo tàng lưu giữ đầu lâu của các nạn nhân.
Với nghiệm sinh, tôi xin góp một dẫn dụ nhỏ. Năm 1991, trong gần tám tháng tù, tôi nhớ nhất câu này:
- Chị sẽ được ra tương ớt! Chị sẽ được nghiền ra tương ớt!
Không phải vì câu nói được lặp đi lặp lại mà vì thái độ của những người nói. Họ có một vẻ hài lòng đáng sợ, một sự điềm nhiên đáng sợ. Tôi không thù ghét họ: một đại tá, một đại úy, một trung úy. Có lẽ về bản chất họ không phải người ác người xấu. Nhưng họ đã được đào tạo để làm cái việc "nghiền người khác ra tương ớt". Vì thế, đối với họ, việc nghiền ai đó ra tương ớt là phận sự, là phương tiện sinh tồn, giống như người thợ phay bào một con ốc thép hoặc người đầu bếp xào món rau.
- Chị sẽ được nghiền ra tương ớt!
Mỗi lần nghe câu nói đó, tôi đọc thấy trên gương mặt họ niềm hạnh phúc thanh thản của "Gã nông phu vừa cày xong thửa ruộng, Ngả mình trên nếp cỏ ngủ ngon lành".
Đương nhiên, họ chuẩn bị mọi sự để cho tôi ra "tương ớt". Nhưng không may cho họ, một tuần sau cuộc đảo chính ở Nga thất bại, thành trì của chủ nghĩa xã hội sụp đổ tan tành, cả ê-kíp ba người hỏi cung tôi tái xanh tái xám, mặt họ hiện lên nỗi hoang mang thê thảm, không còn chút tự tin.
Họ phải dừng tay, không dám cho tôi ra "tương ớt".... Và rồi, với 95 triệu franc viện trợ không hoàn lại của chính phủ đảng Xã hôi Pháp, nhà nước cộng sản đã thả tôi ra....
Hơn một thập kỷ trôi qua, tôi vẫn không quên hình ảnh "tương ớt". Vì cỗ máy nghiền con người ra tương ớt vẫn tồn tại. Và nó tiếp tục nghiền những người khác. Cả một đội ngũ "thợ nghiền" tiếp tục nuôi sống bản thân cũng như vợ con họ bằng nghề nghiệp này. Liệu các vị có thể dùng lòng từ bi hỉ xả như vũ khí tối hậu và duy nhất để làm thay đổi cỗ máy nghiền này chăng? ....
?....?....
Tôi không tin.
Vì thời gian hữu hạn, khả năng con ngừoi cũng hữu hạn.
Vì sự tập nhiễm là bản năng thứ hai có sức mạnh ghê gớm mà chỉ riêng lòng tốt không đủ để đổi thay.
Vì lẽ đó, cuộc đấu tranh của phật tử cũng như của giáo dân không thể chỉ tựa trên sức mạnh của lòng từ ái. Cuộc đấu tranh nào cũng phải có chiến lược và chiến thuật, tùy cơ ứng biến. Và dù đứng dưới bóng Phật hay bóng Chúa, con người cũng cần có một bộ óc phán đoán phân tích sắc bén cộng với một khả năng đủ cho việc chống lại cái ác, bên cạnh lòng hỉ xả từ bi,
Tôi là phật tử theo kiểu của riêng tôi vì tôi không bao giờ chủ trương đạo Phật trở thành "quốc giáo", tôi đấu tranh cho một nền dân chủ đích thực mà nền dân chủ đích thực chỉ cho phép tồn tại một nhà nước thế tục trong đó tất thảy các tôn giáo đều được bảo vệ một cách bình đẳng nhưng trước hết mọi tín đồ đều có nghĩa vụ làm công dân xứng đáng.
Với tôi, chỉ có một nền dân chủ đích thực cho phép thay đổi thường xuyên các chính phủ thối nát, lạm nhũng mới cho phép các tôn giáo tồn tại đúng với tư cách tôn giáo, đền chùa và nhà thờ mới tồn tại như những chốn thiêng liêng nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của cõi người mà không bị biến thành đồn bốt bảo vệ cho quyền lực nơi đám cường hào trá hình ức hiếp người tu hành và bóc lột chúng sinh.
Bây giờ, là một câu hỏi có tính riêng tư:
- Cơ duyên nào đưa bà đến cửa thiền?
Tôi xin trả lời:
- Sự đưa dẫn của số phận.
Đúng như vậy. Tất cả những ngả rẽ lớn trên đường đời, tôi không trù tính. Tất cả, đều xảy ra như những ngẫu nhiên. Nói một cách bóng bẩy hơn suốt phần đời tôi đã trải qua là tạo phẩm dưới bàn tay vô hình của số phận. Tuổi thơ, tôi không mơ ước làm nghề viết văn. Trưởng thanh tôi cũng không hình dung được có ngày tôi trở thành kẻ thù số 1 của chế độ này. Tương tự như thế, chưa bao giờ tôi cố ý đi tìm đọc giáo lý nhà Phật.
Sau cái chết của cha tôi 1992 trong tôi bỗng nảy sinh nhu cầu siêu hình. Vì sao, chính tôi cũng không rõ. Có điều, tôi biết chắc chắn rằng đời người thường chưa chất những ngộ nhận, những nhầm tưởng, những bí ẩn, những che giấu.... tất cả những gì mà ta thường gọi là �bờ lú bến mê�. Trong quan hệ giữa con người với con người, những mê lú thường đem lại khổ đau, hờn oán. Thâm tình càng sâu, khổ đau càng lớn. Bởi vì, chỉ những người ta yêu thương mới có khả năng làm cho ta đau đớn. Phật tổ Như Lai dạy: "Con cái là những sợi xích bằng vàng". Với tôi, sự thật dạy thêm vế đối: "Cha mẹ là những chiếc cùm bằng ngọc". Trong gia đình tôi, tồn tại một nguyên tắc "Gia pháp cao hơn quốc pháp". Vì lẽ đó, trong hơn một thập kỷ cha tôi đã áp dụng với tôi mọi hình thức kỷ luật quân đội để ép tôi sống với người chồng cũ, vì "bỏ chồng là điếm nhục gia phong".....Có lẽ vì những ẩn ức đó tôi bỗng có nhu cầu siêu hình sau cái chết của ông, dù người âm kẻ dương chúng tôi vẫn là cha con và vẫn có nhu cầu trò chuyện. Cũng chính vì những ẩn ức đó cuộc gặp gỡ và thờ phụng Phật bà Quan Âm đối với tôi là một hạnh duyên, một may mắn vĩ đại và thần bí.
Là người viết văn tôi biết rằng với thời gian và qua thời gian tất thảy các nhân vật lớn thuộc mọi tôn giáo đều được thần thoại hóa. Nhưng cho dù tước bỏ mọi chi tiết huyền hoặc, mọi sợi chỉ óng ánh thêu dệt chân dung tôi vẫn thấy Phật Bà là một nhân cách vĩ đại tỏa sáng. Bị chinh phục hoàn toàn vì nàng công chúa từ bỏ cuộc đời xa hoa của hoàng cung, chạy trốn sự truy đuổi của quân lính triều đình, cưỡi hổ về phương Nam tu hành, tôi đi tìm đọc giáo lý nhà Phật.
Vậy là con đường tôi đi ngược chiều với nhiều người khác. Tuy nhiên phương Tây có câu: "Mọi con đường đều dẫn đến Roma".
Tôi tin rằng có nhiều con đường khác nhau dẫn đến tôn giáo nói chung cũng như cửa Phật nói riêng. Tùy theo duyên phận từng người, họ có thể dấn thân vào hành trình đó sớm hay muộn, lâu dài hay ngắn ngủi, sâu hay nông, thành thực hay chiếu lệ ...v ..v...
Đối với tôi, đạo Phật đem lại nhiều chân lý vĩnh hằng: Tính vô thường của Tồn Sinh, luật ly hợp của con người, vòng quay Sinh Diệt ...v..v...Nhưng trước tất thảy mọi triết thuyết, đạo Phật dạy ta xử lý ra sao trong các mối mâu thuẫn nan giải của đời người. Lịch sử cá nhân của Quán Âm Bồ Tát đem cho tôi một sức mạnh mới mẻ và sự thanh thản triệt để trong tâm hồn. Tôi hiểu là từ ngàn xưa những con người vĩ đại đã giải quyết ra sao mối mâu thuẫn giữa các thế hệ đặt trong bối cảnh tình huyết nhục.
Tôi hiểu rằng ngoại trừ ngày cha mẹ đặt ta vào cõi đời, con người phải tự mình sinh đẻ ra mình, và lần sinh trưởng thứ hai này mới thực sự quyết định cho nhân cách cũng như sự nghiệp.
Tôi hiểu rằng không phải vinh quang cũng không phải chiến thắng mà chính là Tình Yêu và sự Hy Sinh nâng con người lên cao.
Và tất thảy những ý tưởng ấy được chắt lọc ra khi tôi đọc "Chuyện Quan Âm". Cho nên tôi như được hồi sinh khi tẩy xóa mọi ẩn ức, thanh lọc tâm hồn. Tôi cúi đầu trước vong linh cha tôi vì hiểu rằng chính ông và chỉ ông mới tạo ra tôi nhưng tôi vẫn đi đúng con đường tôi đã chọn, không mảy may nao núng. Tôi cũng không bao giờ ép duyên hay can thiệp vào đời tư của các con tôi. Và bài học lớn lao ấy tôi học được từ Phật bà Quan Âm. Ngài chính là cơ duyên đưa tôi đến cửa Thiền.
Cuối cùng, để cảm ơn tất cả những ai đã quan tâm hỏi tôi, nhất là các Phật tử tôi xin phép nói rằng:
Tôi vẫn mơ ước có một ngày, khi lũ lợn bẩn thỉu bị đuổi khỏi đền chùa, mọi nơi thờ cúng linh thiêng đựoc trả lại cho các chân tu những người mà mệnh và nghiệp gắn kết họ với tôn giáo... Ngày ấy, nếu Trời còn cho sống tôi sẽ lại "vãn cảnh chùa", để thưởng thức mùi hương thuần khiết, thanh cao của hoa mộc hoa sói hoa lan.... những loài hoa chỉ được phép trồng nơi thiêng liêng hương khói.
Dương Thu Hương
Sunday, December 3, 2006
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment