Sunday, December 3, 2006

Dương Thu Hương Trả lời Đinh Ngọc Ninh (Phần 2)

Hà Nội 7–9–2005.

Thưa ông Đinh Ngọc Ninh, tôi chưa thấy hồi âm từ phía ông, nhưng vì ngày Quốc Khánh vừa qua có xảy ra một vài tình huống mang tính bi hài và các tình huống này xét ra tương ứng với cuộc tranh luận mà ông khởi xuớng, nên tôi lại tiếp tục hầu chuyện ông, xem như đây là phần hai của lời phúc đáp.

Ngày 2–9 vừa qua ông Tạ Hải có đến căn hộ tôi đang ở (308, A8, Khu Khương Thượng). Trên nguyên tắc tôi không tiếp ai tại nhà để tránh sự vu khống bỉ ổi của bộ máy cầm quyền, nhưng tôi đã tiếp ông Tạ Hải vì ông ấy là kẻ bị đày đoạ, là nạn nhân của chính quyền cộng sản. Vốn là chuyên viên cao cấp của Tổng cục Cao su, do bản tính thật thà ông Hải đã tham gia vào cái trò gọi là “Đảng phát động chống tham nhũng”. Là người sinh tử với nghề lại có khá dầy kinh nghiệm ông Hải đã phát hiện, minh chứng và tố cáo đến mọi cửa vụ tham nhũng một ngàn tỷ đồng ở Tổng cục Cao su. Vì không còn cách nào khác, Bộ Công nghiệp phải kỷ luật thứ trưởng đặc trách Tổng cục này bằng cách cho nghỉ hưu sớm. Nhưng đồng thời ông Hải cũng bị đuổi khỏi cơ quan và mười lăm năm nay sống vất vưởng, không lương, không nhà, nhập vào đội quân khiếu kiện đứng thường trực trước cửa số1 phố Mai Xuân Thưởng. Ông hãy cố hình dung những con người bị cướp đoạt mọi thứ, bị ném ra vỉa hè và sống thường trực dưới các mái tôn chợ, bị săn đuổi từ nơi này qua nơi khác, không có hiện tại và không cả tương lai .... Khốn khổ thay cho ông Hải, ông ấy cũng là người có chữ, và tuy mười lăm năm sống lay lắt thiếu cơm áo, thiếu cả điều kiện vệ sinh thân thể, ông ấy vẫn không quên giấc mơ “văn chương” thời sinh viên. Thế là ông ấy nằng nặc đòi tôi cho xem hai tấm bằng của Grinzane Cavour. Xem xong lại đòi mang về cho “bạn hữu” xem. Thật kỳ cục. Nhưng tôi không nỡ từ chối một người tử tế đã bị đẩy vào đường cùng như ông ấy. Tiện thể tôi nhờ ông Hải chuyển đến ông Hoàng Tiến bài viết của ông (Đinh Ngọc Ninh) và bài trả lời của tôi. Hai hôm sau ông Hải quay lại, mặt vốn xanh xao vì đói ăn, không còn chút thần sắc. Ông ấy nói rằng ông ấy đã bị bắt ngay dưới chân cầu thang nhà A 8. Sáu công an dẫn ông ấy vào đồn. ở đó họ quay phim, chụp ảnh ông Hải cũng như “tài liệu” ông Hải có trong tay. Họ tra hỏi, doạ nạt ông ấy suốt một ngày (từ 11 g 30 đến 8 g 30 tối). Khi ông Hải hỏi họ là công an của Bộ hay của Thành phố thì họ quát: “Không có quyền hỏi”. Sau rốt, họ tịch thu các tài liệu với lời tuyên bố: “Tài liệu phản động, nguy hiểm, trái pháp luật”. Và họ thả ông ấy ra với lời đe doạ: “Từ rày không được lui tới bọn ấy nữa ...” Tuy nhiên ông Tạ Hải đã quay lại, bởi vì dù sợ hãi ông ấy vẫn còn lòng tự trọng, ông ấy lớn tuổi hơn tôi (sinh năm 1940) lại là đàn ông, ông ấy xấu hổ vì đã phải ngoan ngoãn nộp hai tấm bằng Grinzane Cavour mặc dù ông ấy biết tiếng Anh, suy được ra tiếng ý và hiểu rằng hai tấm bằng ấy chẳng liên quan gì tới cái mà sáu ngài công an kia gọi là ‘tài liệu phản động, chống lại pháp luật nhà nước” .... Bây giờ, tôi xin ông, Đinh Ngọc Ninh hãy làm phép loại suy từ người công dân Tạ Hải tới một công dân khác, không những không biết tiếng Anh mà thậm chí còn mù cả tiếng Việt, họ sẽ phản ứng ra sao trước sự đàn áp trắng trợn cuồng lộng của kẻ cầm quyền? Và cái nhà nước bắt giữ công dân không cần lệnh, không cho phép họ được quyền hỏi danh tính, nếu không gọi là nhà nước độc tài mafieur thì gọi bằng tên gì, thưa ông?

*

Từ nhiều năm trước đây nhà văn Lê Phương một đồng nhiệp của tôi trong xưởng phim truyện đã bảo:

- Những điều cô nói các cụ xưa đã nói rồi. Từ những năm 1930 cụ Tản Đà đã viết:

Bởi tại thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân ấy mới làm quan ...


Nhà phê bình Lại Nguyên Ân lại bảo tôi:

- Ồ, câu thơ ấy chắc của ông Kép Trà, bởi vì cha Tản Đà làm quan, anh ông ấy cũng làm quan, lý tưởng của ông ấy cũng là làm quan, ông ấy khó có thể nói phũ như vậy.

Lòng phân vân, tôi đi hỏi thêm tám người nữa trong giới sử học và văn chương, có bảy người cam đoan câu ấy của Tản Đà, và một người bỏ phiếu cho Lại Nguyên Ân ....

Thôi thì dù Tản Đà hay Kép Trà vẫn chỉ câu thơ ấy.

Sao người ta nhớ nhiều, nhớ dai đến như vậy ?

Ông là người tài cao học rộng lại được đi muôn núi nghìn sông hẳn là thuộc lòng những nguyên tắc tâm lý: con người chỉ nhớ những gì có sức va đập rất mạnh vào tâm khảm. Hoặc là điều họ thích nhớ. Hoặc là điều họ cố quên nhưng không thể nào quên nổi.

Vậy, ông có định về Viêt Nam để đào mộ thi sĩ Tản Đà và cụ Kép Trà hay không ?

*

Tôi cho ông ví dụ thứ ba.

Dân Việt Nam sau cuộc chiến tranh chia làm hai và bên nào cũng không muốn thoát khỏi cái bóng hắc ám của quá khứ. Một phía là sự thù hận mù quáng, phía kia là lòng kiêu hãnh ngu dốt và bỉ ổi. Cả hai đều ở trong nhà tù của chính mình. Nhưng người Việt Nam nói chung trước con mắt của nhân loại chỉ là một dân tộc. Trong dân tộc ấy nhân loại chọn lựa hai gương mặt tiêu biểu: Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Bây giờ, tôi nói với ông về Nguyễn Trãi. Tôi không rõ một người du học từ bé ở phương Tây biết gì, nghĩ gì về Nguyễn Trãi. Riêng tôi, tôi đi Côn Sơn nhiều lần, lần nào cũng trở về với cảm giác buồn nản và uất hận. Tôi cảm thấy mình bị tước đoạt cái gì đó vô hình, không thể giải thích nhưng đau xót đọng lại như muối xát vào vết bỏng, nỗi đau đó có thể hình dung. Một lần, con trai tôi hỏi:

- Mẹ có thấy là Nguyễn Trãi đáng được cướp pháp trường gấp một ngàn lần những người khác hay không ?
- Đúng! Ông xứng đáng được cướp pháp trường gấp một ngàn lần người khác.

Và thế là câu hỏi của con trai tôi chính là lời giải thích nỗi đau xót uất hận của tôi bao nhiêu năm. Nói một cách công bằng tôi phải cảm ơn nó. Những vụ cướp pháp trường đã xảy ra không ít trong lịch sử Trung Quốc. Chưa kể đến 108 anh hùng Luơng Sơn Bạc ngay cả các môn phái võ, các băng đảng lục lâm thảo khấu cũng thường xuyên cướp pháp trường để giải cứu cho sư phụ hay đồng đảng của họ. Vậy mà, với một người như Nguyễn Trãi đã không có ai làm điều đó. Không có cướp pháp trường. Ngay một tiếng thét, một giọt lệ cũng không. Nhục nhã thay, đau đớn thay, kẻ duy nhất công khai khóc Nguyễn Trãi lại là ... tên đao phủ !...

Than ôi! Dân tộc!

Trong trường hợp cụ thể này dân tộc của chúng ta (của ông và của tôi) hùng hay hèn, thưa ông Đinh Ngọc Ninh ?

Phải chăng sự hèn nhát trước kẻ cầm quyền là món ăn truyền thống quen miệng ngon lưỡi duy trì cho đến tận hôm nay và chính vì thế mà bộ máy tuyên truyền của nhà nước này ra rả bảo tồn “truyền thống” ?.....

Trong bài viết của ông, ông có nhại lại “thằng Võ Văn Kiệt”, “thằng Lê khả Phiêu” và nói rằng đó là ngôn ngữ của kẻ đầu đường xó chợ. Ồ, tôi thích được đầu đường xó chợ gấp mười lần bây giờ vì những lúc mài đũng quần ở quán nước hay ngồi xệp ăn bún ốc ở vỉa hè là những lúc được thư giãn và được nghe đủ thứ chuyện của dân đen ....

Còn bây giờ, trở lại chuyện: “thằng này, thằng kia ...”. Tôi xin thưa, trong gia tộc cũng như gia đình tôi, chữ Đức được xếp lên hàng đầu. Giàu sang, quyền lực, bảnh choẹ và nhiều giá trị khác phải đặt ở phia sau. Chúng tôi xem chữ Đức như cốt lõi của nhân cách, như chỗ nương náu an toàn nhất cho cuộc hiện sinh, là giá trị bền vững cứu rỗi con người. Cha tôi dạy tôi như thế và tôi cũng dạy con cháu tôi như thế. Người có đức dù làm nghề nào cũng phải giữ sự ngay thẳng, không vì lợi ích bản thân mà làm tổn hại người khác, cũng không vì công danh mà xu phụ kẻ chức trọng quyền cao hà hiếp người yếu đuối, nghèo khổ. Tóm lại, đó là bản giá trị cổ lai hi và có lẽ thời nay nhiều người không nhớ nữa. Không may cho tôi, tôi chưa có bảng giá trị mới nào thay nên tôi cứ sống đúng theo các chuẩn mực cũ kĩ đó. Theo các chuẩn mực cũ kĩ đó thì những kẻ cầm quyền Hà Nội hiện nay chỉ là một lũ giòi, không hơn và không kém. Thưa ông, ông có hiểu rõ thế nào là giòi không ạ? ... Có lẽ, ở đây tôi cần giải thích cụ thể cho ông vì ông du học ở phương Tây từ nhỏ chỉ biết các loại toilettes trắng bóng, sạch như lau. Mà, trong bất kỳ ngôn ngữ nào, mỗi từ cũng sinh ra từ một bối cảnh cụ thể. Thưa ông Đinh Ngọc Ninh, trước đây người nông dân Việt Nam chưa có phân hoá học họ chỉ có thể bón ruộng bằng phân bắc (tức là cái thứ mà mọi nguươì vẫn vào phòng vệ sinh để tống ra hàng ngày, không tống ra được sẽ khốn khổ vì chạy chữa). Họ bón ruộng bằng phân bắc + phân chuồng gồm phân lợn, gà, trâu bò, và phân xanh (tức lá cây ủ thối). Phân chuồng và phân xanh thường đã oải chỉ gánh ra ruộng là vãi. Riêng phân bắc phải chứa vào các thùng đấu tức là các hố sâu được đào ven ruộng, làm loãng ra bằng cách đổ nước bùn hay nước rãnh, và thứ đó được coi là thứ phân bón tuyệt hảo cho lúa, rau và các loại hoa. Vậy là, trong các hố chứa phân ruồi nhặng đẻ trứng, trứng nở ra giòi. Giòi lúc nhúc trong hố phân là một hình ảnh của đồng ruộng Việt Nam xưa. ở đây, dẫu biết rằng ông là người lịch sự, tôi không thể nào làm đẹp lòng ông mà mô tả : “những con côn trùng bay lượn hay nhào lộn trong quý bã, trong báu phẩn ...” vân vân .... Sự thật là sự thật. Cổ ngữ nói “cứt có giòi” là từ hình ảnh này nảy sinh ra. Khủng khiếp thật. Nhưng đó chính là một góc của cuộc sống. Hình tượng con giòi vô cùng ấn tượng, nhất là với ai đã từng nhìn thấy những hố phân thời trước. Đó có thể là hình ảnh tiêu biểu nhất cho một loài ký sinh có sức tàn phá khốc liệt và sức mạnh sinh sản khốc liệt. Thêm nữa, một sự nhơ bẩn đến nhờm tởm.

Hãy nhìn lại những con giòi khổng lồ thời hiện tại. Hà Nội đang lưu truyền bản photocopie trên đó đăng thứ tự 50 (năm mươi) con Giòi hạng một, những con Giòi chủ ngân khoản nhà băng khắp thế giới, nhiều nhất là Mỹ và Thụy sĩ. Mức tiền gửi thấp nhất là trên 600 triệu USD ... Tôi khôngt phải chủ nhà băng nên không biết rõ số ngân khoản thấp nhất hay cao nhất là bao nhiêu. Nhưng tôi biết một số vụ “làm ăn” của các Bự Giòi. Con thì ăn cắp một nửa số xi-măng đổ lòng hồ Thuỷ điện Hoà bình khiến mỗi năm một lần phải mời chuyên gia Hà Lan sang hàn vết nứt, mỗi lần tốn kém hàng trăm triệu USD và các ngân hàng bị huy động chạy nháo nhác như cứu hoả. Con thì mua tàu bãi rác của hải quân Nga thải đi sơn quét lại mang về lúc diễn tập sự việc mới đổ bể. Con thì mua tên lửa Nga đã tịt ngòi đem về bắn không nổ, mang tàu trục vớt không được phải thuê dân chài mò lên. Con thi rút ngân quỹ quốc gia cho vợ trổ tài xây sân bay trên đảo tốn hàng tỷ USD, ngày khánh thành cả sân bay, máy bay và phi công bị sập chìm xuống biển vô tăm tích, báo chí không được phép đưa tin, đương nhiên, quốc hội cũng không được báo cáo ...vân vân ..và.. vân vân.... tôi không thể kể tiếp thưa ông, vì bất khả. Tôi không đủ giấy và đủ thời gian để liệt kê 50 con Giòi cấp 1, làm sao có thể đủ kiên nhẫn kể cho ông những con Giòi cấp 2 và cấp 3? .... Tôi chỉ biết rằng sự tàn nhẫn khốc liệt đang hoành hành trên xứ sở này nơi đám công tử đỏ đánh canh bạc cả trăm nghìn USD, cưỡi máy bay đi chơi gái Hồng Kông như người ta xuống đường đổ rác, trong khi con cái nông dân thất học vì không tiền mua vở, bao nhiêu người chết bệnh vì không tiền chữa, thậm chí có người bị trâu đâm lòi ruột bệnh viện cũng không cấp cứu vì ... không đủ tiền nhập viện ...

Chưa bao giờ sự lộng hành của quyền lực lại gây cho tôi cảm giác nhờm tởm như bây giờ. Cũng chưa bao giờ sự khiếp nhược dối trá của dân chúng lại khiến tôi buồn nản như bây giờ. Khi một đám Bự Giòi xuất hiên trên khán đài, bên dưới người ta kháo nhau rành rẽ:

“... Thằng A có cổ phần ở siêu thị này, ở khách sạn liên doanh kia. Thằng B bắt nhà nước trả gần 100 tỷ cho công ty thua lỗ của con trai nó. Thằng C vớ ngót nghét năm trăm triệu USD mua vụ tàu và súng đểu...vân vân..và..vân vân...”

Nhưng nếu cần nói một lời chính thức, công khai, họ sẽ lẩn đi ngay. Tôi chắc đám Bự Giòi đứng trên khán đài kia cũng đủ sức hiểu rằng người dân căm thù và khinh bỉ chúng, nhưng chúng đứng vững vì chúng dựa trên nòng súng. Đơn giản thế thôi. Một sự sợ hãi khủng khiếp đã và đang nghiền nát dân tộc này biến họ thành những kẻ dối trá. Nói dối tự nhiên như hít thở. Nói dối vì hãi quá. Đó là sự thật hiển nhiên dưới mọi nền độc tài. Và đây là điều tôi sẽ cho ông rõ: Tôi đã quay trở lại Viêt Nam năm 1995 chính là để chiến đấu với sự sợ hãi có tính thống trị và thâm căn cố đế này.

Trong bài báo của ông Alan Riding ngày 11-7-2005 viết: “Tôi quay lại Việt Nam là để nhổ vào mặt kẻ cầm quyền”. Thật ra, câu ấy tôi đã sửa đổi chút ít so với bản gốc. Câu nói chính thức của tôi là như sau: “Mon seul but, c’est déféquer sur les visages du pouvoir”, tôi trả lời câu hỏi của một số phu nhân đại sứ và nữ tuỳ viên ngoại quốc đang sống ở Hà Nội, trong một buổi họp mặt có tính phòng trà. Bây giờ ông, một người lịch sự, hãy cố nghe cho rõ lời dich sát nghĩa sang ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta:

“Tôi trở lại Việt Nam là để ỉa vào mặt kẻ cầm quyền”.

Tại sao tôi lại biến báo từ chữ ỉa sang từ nhổ ? Vì ở Pháp tôi thấy người ta văng merde luôn luôn, và tôi nghĩ rằng từ nào dùng nhiều cũng mòn nên tôi mới đổi từ déféquer sang cracher. Không phải là để làm hài lòng ông Alan Riding, thưa ông!

Từ nhỏ, tôi đã không có tính chiều lòng người khác. Cả đến bố mẹ tôi, tôi cũng không nói khéo bao giờ. Đó là phần khiếm khuyết của bản thể. Khó mà đổi thay. Và tôi cũng không có ý muốn thay đổi. Ông chẳng phải bố mẹ tôi làm sao tôi có thể gọi những Con Giòi tôi khinh bỉ bằng “ngài” hoặc “ông” để cho ông đựoc đẹp lòng?

Bây giờ, tôi xin kính biếu ông một trong số những định nghĩa về con người mà tôi thích:

“Con người là con vật với những ảo tưởng của nó”.

Và để giúp ông “giải ảo” được nhanh chóng tôi xin nói vắn tắt như sau: Tôi là người đấu tranh cho dân chủ nhưng không nuôi mộng làm chính trị. Có nghĩa là nếu một mai đất nước có dân chủ, tôi (nếu trời còn cho sống, giả dụ như vậy, và chưa lú lẫn) sẽ không bao giờ tham gia vào bất cứ đảng phái nào. Không những thế tôi còn cấm chỉ hai con và các cháu tôi làm chính trị: “Nếu ai không nghe lời tôi, còn sống tôi sẽ từ, chết rồi tôi sẽ về phá bàn thờ quấy nhiễu cho bằng phải bỏ chốn quan trường mới thôi”. Tại sao ? Vì nghề chính trị rất hao tổn âm đức, quyền lực và lòng tham là hai con thú dữ thường xuyên chiến thắng lòng nhân ái cũng như lương tri. Phải là người dầy bản lĩnh lắm mới nên nhảy vào chính trường nếu không tai hoạ khó tránh khỏi. Hai con tôi, mỗi đứa hai bằng đại học, vì là con kẻ làm giặc nên không thể có chỗ trong nhà nước này, con gái tôi bán sơn cho hãng Đông á, con trai tôi làm đủ nghề tạp nhạp: bồi bàn , gác cổng, vẽ thuê và nay làm quảng cáo thuê cho tư nhân. Không sao! Cuộc chơi nào cũng phải trả giá và đối với tôi mọi sự được ngửa bài. Trong cuộc đấu tranh này tôi không nhằm nhò gì hết cho cả ba đời trong gia đình tôi, vậy là cho không / Gratuit

Khi không một mảy may tham vọng, tôi là người tự do, thưa ông. Tôi không cần mua phiếu của bất cứ ai để được làm chủ tịch đảng hay làm tổng thống.

Tôi không cần uốn lưỡi gọi những Con Giòi bằng “ông” để ông được êm tai,đẹp lòng.

*

Tại sao lại có cuộc chơi này ?

Chính tôi cũng không rõ. Xưa nay tôi vẫn là kẻ bị ném đá từ hai phía, cộng sản cũng như quốc gia. Danh sách những người chửi tôi ở California còn dài hơn ở Việt Nam. Tôi không trả lời ai hết, trừ trường hợp Bùi Duy Tâm 1992. Hồi đó vũ khí chiến lược của tôi là “chuyện Dương Thông” còn phải chôn trong bóng tối nên cuộc cãi vã có tính đàn bà vớ vẩn phù phiếm. Mười hai năm sau tôi mới sử dụng vũ khí này. Và tôi hiểu cuộc chiến tranh nào cũng cần những vũ khí bí mật, nhất là trong trường hợp trứng chọi đá như tôi. Với tất cả các cá nhân đã chửi tôi ở cả hai phía, không bao giờ tôi đáp lời. Lý do, ông đã hiểu.

Lần này, tại sao lại là ông ? Thành thực sau khi đọc bài của ông tôi đã ném vào sọt rác và quên. Nhưng khi bài đó được đưa tới qua đường bưu điện tôi đột ngột đổi ý. Bây giờ tôi bắt đầu lờ mờ nhận thấy rằng tôi bị xui khiến bởi nỗi xúc động thầm kín với hình ảnh tươi thắm của một nước Việt Nam năm 1945 một dân tộc hào hùng, thăng hoa, và một nước Việt Nam năm 2005 với một dân tộc bị phân chẻ không còn nhuệ khí. Những người công sản vào năm 1945 tràn đầy tự tin kiêu hãnh, và lũ Bự Giòi hiện tại, lì lợm, vô sỉ và tham tàn. Một vòng quay sinh diệt, sự nảy nở và sự tàn rữa kế tiếp nhau .... Có lẽ, vì những cảm thức đó, tôi đã trả lời ông.

Tuy nhiên, về phía ông, chính ông mới là người khởi sự, chính ông là kẻ lập ngôn, ông muốn có cuộc chơi này. Vậy thì, tôi xin chờ câu trả lời của ông.

Chúc ông sức khoẻ.

Dương Thu Hương

No comments: