Sunday, December 3, 2006

Không Ai Bịt Miệng Được Nhà Văn Dương Thu Hương

Tác giả: Alan Riding, New York Times, July 11, 2005
Người dịch: Nguyễn Quốc Khải, Vietnam Review

Paris, 09.07- Khoác bên ngoài một chiếc áo vét tông xần xùi và nhấm nháp nước trái cây trong một quán cà phê ở bên bờ sông [Seine], nhà văn Dương Thu Hương không có vẻ gì là một khuôn mặt dọa nạt được ai. Nhưng bà Hương, 58 tuổi, hiển nhiên là như vậy tại quê hương Việt-Nam của bà, nơi bà đã bị giam cầm, sách của bà bị cấm và bà bị từ chối không cho giấy thông hành để xuất ngoại trong 11 năm.

Có vẻ là bà có nhiều tội. Những cuốn tiểu thuyết của bà mổ xẻ đời sống dưới một trong những chế độ cộng sản cuối cùng được xuất bản và đón nhận niềm nở tại thế giới Tây phương. Bà là một cựu đảng viên Cộng Sản bị trục ra khỏi đảng vì tội phản bội. Và trên hết, bà là một nhân vật chống đối -- một lãnh tụ cao cấp của đảng gọi bà là một "con điếm chống đối" (dissident whore) - đã không chịu ngậm miệng ngay cả sau khi đã bị nhốt trong tù tám tháng vào năm 1991.

Ngày nay, lần thứ hai, bà được phép qua Âu châu. Nhưng trong một nghĩa, nước Việt-Nam cùng đi theo với bà. Bà vui lòng nói về đời của mình và năm cuốn tiểu thuyết, gồm cả cuốn mới nhất, "No Man’s Land" (Chốn Vắng), xuất bản tại Hoa-Kỳ vào tháng Tư vừa qua. Nhưng ưu tiên của bà là công khai kết án chính phủ tham nhũng và lạm quyền Hà-Nội.

Bà nói lưu loát tiếng Pháp nhưng với một cách phát âm nặng: "Đây là nhiệm vụ phải làm của tôi nhân danh những người đã chết dưới chế độ đáng hổ thẹn này. Vì tôi có một chút tiếng tăm ở nước ngoài, tôi phải nói về những vấn đề này. Tôi phải nói ra những gì trong con người của tôi để lương tâm của tôi được trong sáng. Dân chúng đã mất sức mạnh để phản ứng, để suy tư, để nghĩ. Có lẽ tôi sẽ cho họ can đảm."

Bà cảm thấy rằng lời nhắn nhủ của bà khẩn trương hơn bao giờ hết. Ba mươi năm sau chiến tranh Việt-Nam, bà thấy chế độ được chấp nhận ở nước ngoài bằng cách mở rộng kinh tế cho người ngoại quốc trong một chiến lược hỗn hợp cộng sản tư bản. Bà cũng nhận thấy với sự lo sợ rằng thủ tướng của Việt-Nam, Phan Văn Khải, đã được tiếp đón tại toà Bạch Cung vào tháng trước.

"Đây là một chề độ tàn bạo và đê tiện. Nó làm nhiều thứ để lừa phỉnh những người ngoại quốc," bà nói trong một buổi mạn đàm lâu dài. "Nếu Bush ủng hộ chế độ này, nó sẽ bắt đầu dấn thân vào một cuộc chiến khác, và sẽ đưa dân chúng xuống đất đen. Lần này những kẻ phản bội địa phương, thay vì phi cơ thả bom B-52, sẽ được sử dụng."

Cho đến nay, bà tiếp tục nói, chiến tranh Việt-Nam được sử dụng để biện minh cho việc duy trì quyền lực trong tay của nhà nước.

"Tất cả tuyên truyền của nhà nước chỉ nhắm tạo một huyền thoại về chiến tranh, để tâng bốc và đe dọa dân chúng," bà nói. "Dân được bảo rằng: ’Dân tộc ta anh hùng. Chúng ta nên kiêu hãnh về lịch sử của chúng ta. Nhưng đừng bao giờ quên rằng, đảng đã lãnh đạo dân tộc đến thành công.’ Nhà nước lừa dối dân chúng bằng một niềm kiêu hãnh mù quáng."

Cuộc đời của bà Hương cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của chiến tranh.
Bà nói, khi còn một đứa trẻ con bà không được học trường tốt vì bà không thuộc vài giai cấp nông dân hoặc vô sản: Bà ngoại của bà là địa chủ đã di cư vào Nam vào giữa thập niên 1950. [1] Nhưng đến tuổi 16, Dương Thu Hương được cho phép gia nhập đoàn diễn kịch lưu động và chứng tỏ có tài, nên được gửi đi học trường đào tạo diễn viên, nghệ sĩ múa, và ca sĩ để giúp vui quần chúng.

Ở đó bà một lần nữa làm việc khá và được cấp cho cơ hội để đi học tại Liên Xô, Đông Đức hoặc Bulgaria. Bà nói: "Tôi chọn ra tiền tuyến bởi vì nước chúng tôi đang có chiến tranh và tổ tiên tôi luôn luôn chiến đấu cho đất nước...Tôi gia nhập một đoàn nghệ sĩ trẻ lo trình diễn cho bộ đội và nạn nhân chiến tranh. Khẩu hiệu là: ’Những tiếng hát của chúng ta to hơn tiếng bom.’ Chúng ta có thể làm in những tiếng gào thét bằng những bài hát."

Bà nhớ lại, bà nhận thấy ngay lúc đó những đảng viên có những đặc quyền. Sau đó bà có một xúc động khác mạnh hơn khi tù binh của miền Nam đến khu vực của bà. Bà nói: "Tôi khám phá ra sự thật là chúng tôi cũng chiến đấu chống lại người Việt-Nam... Vâng, chúng tôi luôn luôn bị Mỹ dội bom, nhưng họ ở trên trời cao và tôi không bao giờ được thấy họ. Tôi chỉ thấy người Việt."

Bà giữ những ý nghĩ đó cho riêng mình, và cũng làm như vậy sau chiến tranh khi bà gặp lại bà con ở thành phố Hồ Chí Minh (như Saigon đã được đổi tên) và bà nhận biết rằng kẻ bại trận khá hơn kẻ thắng trận. Trong khoảng thời gian đó, bà tổ chức những sinh hoạt nghệ thuật ở thành phố Huế. Khi 30 tuổi, bà trở về Hà-Nội để làm việc cho kỹ nghệ điện ảnh của chính phủ. "Bà nói "Tôi viết năm kịch bản. Chúng được làm thành những phim dở... Nhưng lương tôi không đủ sống."

Một việc làm bất chợt ngắn hạn mở ra một cơ hội mới. Làm việc cho một nhóm tướng lãnh quân đội, bà viết cho họ về lịch sử chiến tranh Việt-Nam. "Những ông tướng này thảo luận với nhau làm thế nào để thay đổi bài viết của tôi để cho phù hợp với quyền lợi của họ... Các ông này muốn tăng số người Việt chết để chứng tỏ rằng không có sự hi sinh nào quá to lớn cho nhân dân."

Bà Hương nói rằng bà được mời gia nhập đảng CSVN vào năm 1979 và miễn cưỡng chấp nhận với sự thúc đẩy của bạn bè vì họ hi vọng bà có thể giúp họ. Cũng trong năm đó cuốn tiểu thuyết đầu tiên của bà "Bên Kia Bờ Ảo Vọng" được xuất bản tại Việt-Nam bán được 100,000 bản. Nhưng hai năm sau, bà nói, với sự ra đời của "Thiên Đường Mù," một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng khác, bà bắt đầu gặp nhiều vấn đề.

"Ông Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí Thư của Đảng CSVN hứa cấp cho bà một căn nhà dành cho cấp bộ trưởng nếu tôi giữ yên lặng," bà nói. "Tôi nói với ông, ’tôi tranh đấu cho dân chủ, tôi đặt tôi về phía nhân dân và không bao giờ đồng ý như là một bộ trưởng.’ Nguyên tắc của tôi là ông có thể mất tất cả, kể cả mạng sống của ông, nhưng không bao giờ nên để mất danh dự của mình."

Ngay sau đó, bà nói, bà đã thoát hai âm mưu ám sát. Bà viết một bài diễn văn cho Nghị Hội Những Nhà Văn Việt-Nam vào năm 1989, tựa đề là "Đảng Nên Cám Ơn Nhân Dân" và tức thì bị trục xuất ngay ra khỏi đảng. Vào năm 1991, bà bị tù vì bán tài liệu mật cho ngoại bang. Đó là những bản thảo viết tay. Không có gì đáng ngạc nhiên cả, ba cuốn sách tiếp theo của bà - "Tiểu thuyết vô đề," "Memories of a Pure Spring" và "No Man’s Land" - chưa được xuất bản tại Việt-Nam. [2]

Nhưng tất cả những tiểu thuyết của bà đã được dịch sang một số ngoại ngữ nhờ Will Schwalbe, lúc đó làm việc tại Willam Morrow và bây giờ là chủ bút tại Hyperion, những cuốn sách này được dịch sang Anh ngữ. Ô. Schwalbe nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại "Lần đầu tiên tôi dược nghe về bà là khi bà bị giam trong nhà tù... Tôi đọc 30 hay 40 trang của ’Thiên Đường Mù’ và tôi đã xúc động. Đây là cuốn tiểu thuyết Việt-Nam đầu tiên được dịch và xuất bản tại Hoa-Kỳ.

Những tiểu thuyết của bà Hương không có mầu sắc chính trị rõ rệt, nhưng chủ đề của những cuốn sách này là sự vỡ mộng của những người bị kẹt bởi số mệnh ngoài sự kiểm soát của họ. Khi điểm sách cuốn "Memories of a Pure Spring" trên tờ New York Times vào năm 2000, Richard Bernstein viết: "Người ta đọc cuốn sách này vì quan điểm chính trị của nó, nhưng hơn thế nữa là vì chiều sâu và sự phức tạp của những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết. Họ phấn đấu để định nghĩa chính mình trong một thế giới mà mỗi sự vật và mỗi người đều bị xếp vào một trong những hệ tư tưởng và khát vọng đất nước."

Vào năm 1994, với sự can thiệp của Đệ Nhất Phu Nhân của Pháp Danielle Mitterand, bà Hương đã được đến Pháp để nhận giải thưởng. Bà được hứa cấp cho quy chế tị nạn chính trị. "Tôi nói, ’Cám ơn, nhưng tại nước tôi, sư sợ hãi đã nghiền nát mọi thứ, chiến sĩ can đảm trở thành dân chính hèn nhát.’" Bà nhớ lại. "Do đó tôi phải trở về. Tôi trở về để làm một việc: nhổ vào mặt chế độ.’ "

Lần này, Tòa Đại Sứ Ý tại Việt-Nam đã lấy được hộ chiếu cho bà, nhưng sau vài tuần ở Ý và Pháp, một lần nữa bà muốn trở về Hà-Nội, nơi hai đứa con và bốn đứa cháu đang sống. (Bà Hương đã ly dị vào năm 1982.) Và một khi về nước, nếu chính phủ không có một kế hoạch nào khác, bà nói bà sẽ tiếp tục viết. "Tôi là một người có lý tưởng cao, "Bà nói, trước khi thêm một nụ cười tinh quái, "và cũng là một người đần độn "

Chú thích:
[1] Theo GS Nguyễn Ngọc Bích, nhà văn Dương Thu Hương có bà ngoại là địa chủ. Do đó chúng tôi dịch từ chữ "grandmother" ra là bà ngoại.
[2] GS Nguyễn Ngọc Bích cho biết tên Việt của cuốn "No Man’s Land" là "Chốn Vắng." Nhưng tên Việt của cuốn "Memories of a Pure Spring," chưa biết. Các nhà sách ở Hoa-Kỳ đều không có cả hai cuốn này bằng tiếng Việt.

No comments: